Truyện gay: Đôi cánh hai màu – Chương 3: Tôi giết người
Email cũ bị mất. Các bạn có truyện muốn đăng vui lòng gửi truyện về [email protected]. Nhớ ghi rõ Tên truyện, chương nào.
Những đứa trẻ thường chóng vui chóng buồn song cũng chóng quên. Và tôi cũng vậy. Ngày tháng trôi qua, nỗi đau mất mẹ dần nguôi ngoai, tôi bắt đầu hòa nhập với cuộc sống mới nơi đất khách quê người. Thế nhưng chẳng hiểu sao sự ám ảnh và lòng căm ghét về người cha tồi tệ thì vẫn âm ỉ cháy. Nó chẳng hề thuyên giảm chút nào, hình ảnh mờ nhạt về ông ta vẫn hiện lên trong những cơn ác mộng của tôi. Dường như nó chỉ chờ cơ hội để bộc phát một cách mãnh liệt nhất.
Những ngày này, ngoài việc nghỉ ngơi lấy lại sức, tôi phải học cách thích nghi với một môi trường hoàn toàn xa lạ. Tôi làm quen với mấy đứa trẻ hàng xóm trong lúc ở nhà một mình. Tất nhiên, chúng thoải mái cho tôi nhập cuộc trong những trò chơi của chúng bởi cả đám trẻ với nhau, chơi càng đông càng vui.
Cha mẹ nuôi thì yêu thương tôi hết mực, thậm chí cưng chiều tôi hơn rất nhiều so với bố mẹ của những người bạn nhí mà tôi mới quen dẫu điều kiện vật chất thì chẳng có gì. Đôi khi sự cưng chiều của họ dành cho tôi còn khiến lũ trẻ kia ghen tỵ. Điều đó đã giúp tôi thấy chóng quen hơn với nơi này.
Sáng nay, mặt trời mùa đông hửng nắng yếu ớt, chỉ đủ để xua đi phần nào sự giá lạnh. Tuy nhiên, nhờ vậy mà tôi thấy dễ chịu hơn nhiều, đặc biệt là khi bố nuôi tặng cho tôi một món quà tôi rất thích. Đó là một con bê.
Có lẽ với những đứa trẻ thành phố hoăc trong cuộc sống hiện đại này, con bê sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng lúc đó, với tôi, con bê rất quan trọng.
Hằng ngày, lũ trẻ trong xóm tuy chơi với tôi nhưng cũng chỉ tranh thủ vào buổi trưa hoặc buổi tối bởi ban ngày chúng còn phải đi chăn trâu, chăn bò, lớn hơn một chút thì phải đi học hay ra đồng giúp bố mẹ. Những lúc ấy, tôi chỉ thui thủi một mình trong nhà, thỉnh thoảng nghe tiếng gà kêu chó sủa hay tiếng trẻ con khóc của nhà bên cạnh.
Giờ đây, có con bê này, tôi đã có việc để làm. Tất nhiên, chăn bê chỉ là phụ mà chơi mới là chính nhưng tôi cũng rất quý nó. Vì vậy tôi rất vui.
Tôi đến gần và vuốt lên bộ lông vàng sậm mượt mà của nó. Hình như, do chưa quen nên con bê hơi co người lại, đôi mắt nó sáng long lanh e dè nhìn tôi – chủ nhân mới của nó.
– Con có thích nó không? – Bố nuôi tôi hỏi.
Tôi vỗ nhẹ mấy cái vào lưng con bê rồi cười tít:
– Con rất thích ạ!
Bố gật đầu cười và xoa đầy tôi như ông vẫn thường làm vào những lúc vui.
Khi ấy, mẹ nuôi đang thu gom chỗ cỏ trong vườn cười nói:
– Vũ Phong từ nay có cớ để đi chơi rồi nhé!
Tôi cười, mặt đỏ bừng. Mẹ nuôi đã chọc vào trúng tim đen của tôi. Lúc đó tôi hiểu mục đích mua con bê này của hai người chỉ vì tôi mà thôi.
– Mày muốn được ăn no thì phải nghe lời Vũ Phong biết chưa? – Mẹ nuôi đi ngang qua, gõ nhẹ vào đầu con bê và nói với nó như với một đứa trẻ.
Sau đó bà cho con bê ăn một ít cỏ trước khi đưa nó vào cái truồng mới của nó – thứ mà hôm trước tôi không biết bố nuôi dựng lên để làm gì, hỏi thì bố chỉ cười bí ẩn.
Và từ buổi chiều hôm ấy, tôi bắt đầu với những tháng ngày tuổi thơ vui nhất trong cuộc đời.
Mỗi sáng, mỗi chiều tôi cùng lũ bạn rong ruổi trên sườn đê chơi những trò chơi mà suốt đời này tôi không quên. Tôi nhớ những lúc phùng má trợn mắt chơi thổi nịt. Tôi nhớ những viên bi lăn tròn theo sự điều khiển của chúng tôi. Tôi nhớ những lúc thắng cuộc và thăng quan trong trò đánh đáo cũng như khi thất bại mang thân nô lệ. Tôi nhớ những con diều bay cao mỗi độ thu về…Và nhớ cả những lúc chúng tôi cãi nhau om sòm trên đê rồi lại làm hoà ngay sau đó trong trò chơi đuổi bắt. Con sông êm đềm du dương đưa tuổi thơ của chúng tôi vào những ký ức thật đẹp. Những cây đa, cây bồ kết ngả ra bờ sông cho chúng tôi tha hồ chuyền cành, rượt đuổi nhau trên cây và lắm lúc rơi cả thân mình xuống cho dòng sông kia ôm trọn. Cho đến khi cả bọn đã ướt hết cả thì hò nhau xuống sông tắm, mò trai, bắt ốc,…Vui nhất là khi chúng tôi chơi trò đánh trận giả, tôi được cả bọn phong làm thủ lĩnh bởi… tôi đánh nhau giỏi hơn bọn chúng.
Thế nhưng, nếu chúng tôi ngoan hiền trong các trò chơi như vậy thì mấy bác trong làng đâu phải suốt ngày đau đầu vì lũ trẻ. Mỗi đứa có vài con trâu hoặc bò để chăn dắt nhưng dường như chẳng đứa nào để ý đến chúng cả. Chúng tha thẩn ăn cỏ ven đê và thỉnh thoảng lại tinh nghịch như chủ nhân của chúng: lội qua con mương nhỏ sang bờ bên kia ăn lúa hay hoa màu. Và tất nhiên khi ấy chúng tôi lại được nghe bài trường cả muôn thuở nhưng đứa nào đứa nấy chỉ cười và lẩn lên những cành cây cao tránh roi của cha mẹ.
Mùa đông đến, trong cái giá lạnh của thời tiết thì khoai nướng, ngô nướng,…là món yêu thích nhất của chúng tôi. Người ta thường nói nhất chùa, nhì trộm quả không sai chút nào. Mắt trước mắt sau thấy người lớn không để ý, tụi trẻ chúng tôi lại lần xuống ruộng bẻ trộm ngô hay bới trộm khoai lên nướng. Lúc ấy, cả bọn vừa ngồi sưởi bên đống lửa vừa xuýt xoa củ khoai hay bắp ngô nóng hổi, miệng nhồm nhoàm nhai ngắm cảnh chiều hôm. Đôi lúc thì chúng tôi bị bắt tại trận và các bậc phụ huynh đáng kính phải đứng ra điều đình. Dĩ nhiên điều đó không khó bởi… hôm nay con tôi ngày mai đến con bà, đền nhau làm gì cho mệt.
Mùa hè, chúng tôi chuyển từ đồng ruộng về những vườn cây trái mặc cho những con vật yêu quý mải ăn cỏ. Lũ chó sủa là điểm gây bất lợi nhất đối với chúng tôi nên thường chúng tôi phải nhử nó trước. Cho đến khi con chó không còn thời gian chú ý chúng tôi thì hoa quả trên cây kia “tự động” đi vào miệng chúng tôi.
Có lần, mấy đứa trẻ chúng tôi leo lên cây sắn thuyền của cụ Tám. Cụ ấy sống một mình nên chúng tôi tha hồ tung hoành trên cây mà chẳng ai biết. Nhưng hôm ấy, khi chúng tôi đang ngồi vắt vẻo trên cành cao ăn thì cụ bắt đầu ra nhổ cỏ vườn. Tất nhiên những hạt sắn thuyền lộp độp rơi xuống không thể nào qua mắt cụ được, cụ ngửa cổ lên và bắt đầu mắng chúng tôi. Ban đầu cụ rất hăng hái nhưng chẳng đứa nào trong chúng tôi ngừng ăn mà còn rung cây cho quả rụng xuống trêu cụ. Sắn thuyền rất dẻo dai nên chúng tôi đu cả vào những cành nhỏ nhất. Tuy nhiên trong con mắt của người lớn và đặc biệt là người già thì hành động đó rất đỗi nguy hiểm. Cây sắn đâu có thấp, ngã xuống không vỡ đầu thì cũng gãy tay chân. Thế nên từ việc mắng, cụ phải chuyển qua nịnh chúng tôi để chúng tôi xuống với lời hứa sẽ không mách bố mẹ. Song với những lời hứa suông quá quen thuộc, chẳng đứa nào tin và trong lòng đã xác định một trận đòn nên cả bọn tiếp tục ăn cho đến khi chán, miệng đứa nào cũng đen lại thì bắt đầu tụt xuống. Ngay lập tức, cụ vác gậy đuổi chúng tôi và chửi cho xóm làng một bữa điếc tai.
Còn học thì sao? Thầy giáo chúng tôi có một cây thước dài dùng để đánh đòn đứa nào không vâng lời. Tuy sợ thầy song chứng nào tật nấy, chẳng đứa nào chịu học. Từ học bài ở nhà là một điều quá xa xỉ với lũ trẻ chúng tôi khi ấy. Đứa nào cũng tự nhủ: đi học cốt là để trêu thầy. Ấy vậy mà sau này, được đi học lại là một niềm khát khao không bao giờ thành hiện thực của tôi.
Buổi chiều về, mỗi đứa có nhiệm vụ mang về nhà một bó củi hay lá để đun. Song đứa nào cũng mải chơi, chờ đến khi nhập nhoạng tối thì rút rào cho nhanh. Bờ rào được người lớn nhà này rào lại chẳng được bao lâu thành lại biến thành củi đun cho nhà khác.
Tôi vẫn tưởng cuộc đời cứ như vậy êm trôi, tôi có một mái ấm mới với hai người hết mực thương yêu tôi, có những người bạn nhỏ chơi không bao giờ biết mệt, không kể sớm trưa chiều tối. Thế nhưng, có lẽ chẳng bao giờ ông trời chiều lòng người. Một lần nữa, ông ta đang tâm cướp đi những thứ hạnh phúc nhất của tôi.
Năm tôi lên tám tuổi, bố nuôi tôi lâm bệnh nặng. Vì nhà không có tiền nên bố chẳng thể đi bệnh viện được, chỉ trông chờ vào ông thầy thuốc duy nhất ở làng bên. Mọi thứ trong nhà, nếu có thể bán được, mẹ nuôi đều đem bán cả để lấy tiền mua thuốc cho bố. Con bò mà hằng ngày tôi chăn dắt, đàn chó mà tôi luôn âu yếm vuốt ve,… đều phải hi sinh cứu chủ. Thế nhưng, bệnh tình của bố chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Mẹ phải vay tất cả những người thân quen song tất cả đều nghèo khó như nhau, đâu có ai dư cho mà vay.
Đêm hôm ấy, bố tôi sốt cao và lên cơn co giật. Mẹ nuôi vội vàng cho bố uống thuốc. Nào ngờ, uống thuốc vào thì từ co giật, bố nuôi chuyển sang nằm li bì, không biết gì nữa. Mẹ vội vàng sai tôi đi gọi lão thầy thuốc. Tôi lao vụt đi giữa đêm khuya. Nhưng mới đi được một đoạn ngắn thì đã thấy mẹ chạy theo tôi. Có lẽ mẹ không đành lòng để một đứa trẻ như tôi chạy một mình trước trời khuya đang nổi giông tố.
Gió gào. Chớp giật. Đêm thu bừng sáng trong giây lát đủ để tôi thấy khuôn mặt đượm vẻ lo âu và sợ hãi của mẹ.
Mưa. Mưa hắt thẳng vào mặt, vào người hai mẹ con tôi.
Chạy. Chạy thật nhanh. Mẹ kéo tay tôi chạy về hướng nhà lão thầy thuốc.
Sấm sét rạch ngang trời giữa màn đêm sẫm đặc. Mưa cũng nặng hạt hơn.
– RẦM! RẦM! – Mẹ đập cửa nhà lão thầy thuốc – Thầy Thắng có nhà không? Cứu chồng tôi với.
RẦM! RẦM! Thầy Thắng! Thầy Thắng ơi!…. – Mẹ tiếp tục đập và mưa thì tiếp tục rơi.
Cho đến một lúc lâu sau, mẹ đã bắt đầu khản cả tiếng thì có giọng ngái ngủ từ trong vọng ra:
– Đêm khuya ai đập cửa nhà tôi thế? Định không cho người ta ngủ hả? Về ngay! Tôi không chữa cho ai hết! – Lão thầy thuốc sống một mình nên chỉ có thể là giọng lão mà thôi.
RẦM!…..Chồng tôi nguy lắm rồi!….. – Mẹ gào lên, nước mặt đã trào ra tự khi nào. Lão ta thì vẫn chưa mở cửa.
Nửa giờ sau thì cánh cửa cũng được mở ra làm mẹ ngã nhào vào trong. Lão ta gắt:
– Nhà chị bị điên hả? Trời mưa lớn thế này tôi đi làm sao được. Lỡ tôi bị cảm thì chị chịu trách nhiệm được không?
Mẹ nuôi vội vàng quỳ xuống, khóc lóc vật nài, năn nỉ ông ta. Tuy nhiên lão thầy thuốc đó chẳng hề động lòng, lão đá mẹ ngã ngửa:
– Tiền chữa bệnh những lần trước chị đã trả tôi đồng nào chưa? Chồng chị chứ có phải bố tôi đâu mà tôi phải chữa không công cho nhà chị! Biến đi!
Mẹ bò lết đến gần lão, túm áo lão van xin song lão giãy nảy lên đuổi mẹ làm cho chiếc áo của lão rách toạc.
Mắt lão đỏ ngàu:
– Chị cút ngay cho tôi! – lão kéo mẹ tôi xềnh xệch ra cửa – Liệu về mua đền tôi cái áo mới!
Thế rồi lão đóng rầm cửa lại, chỉ còn lọt ra một câu nói: “Đồ điên!”
Mẹ khóc. Nước mưa nhoà nước mắt của mẹ. Mẹ đập cửa trong vô vọng bởi lão ta không ra cửa lần nào nữa. Mấy con chó xung quanh sủa loạn lên giữa đêm khuya giông bão.
– Chúng ta về xem bố thế nào đi mẹ! – Tôi đến bên mẹ và nói.
Dường như câu nói ấy của tôi làm mẹ bừng tỉnh:
– Đúng rồi! Bố con! Bố con ở nhà một mình……
Và như một người điên dại, mẹ gào lên và chạy đi giữa sấm chớp đùng đùng, mưa giông ùn ùn trút xuống.
– Mẹ ơi! Mẹ ơi!… – Tôi gọi và chạy theo mẹ nhưng không kịp.
Mưa càng lúc càng lớn, ông trời như muốn thị uy con người vậy.
Đôi chân bé nhỏ của tôi bước thấp bước cao trên con đường đất trơn trượt. Tôi không khóc. Kể từ cái lần đi thăm mộ mẹ ấy, tôi chưa khóc bao giờ. Hình ảnh lão thầy thuốc hiện lên trong đầu tôi. Lão đá mẹ, lão đẩy mẹ, lão mắng mẹ cứ chạy đi chạy lại trong cái con tim vốn chứa đầy thù hận của tôi.
Mưa. Đêm ấy trời cũng mưa thế này. Bố tôi? Mẹ tôi? Lão thầy thuốc? Sao nó lại giống nhau đến thế? Tôi hét lên cho mưa rơi thẳng vào cổ họng, cho nỗi u uất, căm hờn được thoát ra ngoài. Thế nhưng tôi thất bại. Trước mắt tôi là khuôn mặt đểu giả của lão thầy thuốc, là vết chàm đáng nguyền rủa của người cha khốn nạn. Mắt tôi đỏ lên, hằn chứa mọi nỗi oán hận.
Sét đánh. Bầu trời sáng rực phút chốc. Cành cây gãy đổ rào rào xuống. Tiếng la, tiếng gọi của tôi quá bé nhỏ trước những âm thanh đáng sợ của ông trời.
Tôi cắm đầu mà chạy, hai nắm tay tôi xiết chặt vào bàn tay đến bật máu. Đau? Có đau không tôi cũng không biết. Tôi chẳng có cảm giác gì ngoài lòng thù hận đang ngùn ngụt bốc cháy.
Tôi lao vào nhà. Tôi lấy nhanh con dao mà hôm trước tôi thó trộm khi ngang qua chợ ra mài. Tôi vốn định dùng nó để đâm cá nhưng giờ đây tôi muốn…
Tiếng mài dao rợn người vang lên. Ánh dao sáng loáng lên dưới sấm sét. Tôi nhìn vào nó, nhìn một say sưa và đáng sợ.
Trong nhà, bố đang họ đến cháy cổ, mẹ lại cuống quýt lấy thuốc nhưng… thuốc cũng đã hết. Mẹ chạy vội đi lấy ít tiền cỏn con mẹ mới bán con gà ấp còn lại duy nhất hôm qua để mua thuốc song…không thấy.
– Vũ Phong! Con có thấy tiền của mẹ không? – Mẹ hoảng loạn gọi hỏi tôi.
– Con không biết! – Tôi đáp, trên tay vẫn cầm chiếc dao sáng loáng.
Mẹ chạy quanh, lục tung khắp nhà vẫn chẳng hề thấy. Và rồi mẹ nhìn thẳng vào con dao trên tay tôi:
– Con lấy đâu ra con dao mới đó? –Mẹ nuôi tức giận nói.
Tôi thực sự không biết trả lời làm sao, không lẽ tôi nói với mẹ là tôi đi ăn trộm. Không! Không thể nào như vậy được.
– Con…con…
Mẹ giận hơn:
– Có phải con lấy tiền của mẹ đi mua không?
Nghe mẹ nói vậy, tôi đáp lớn:
– Không! Con không lấy! Con thề là con không lấy!
Thế nhưng…mẹ nào có tin tôi. Mẹ bắt đầu mắng tôi. Lúc này mẹ đã quá cùng quẫn nên đâu còn nghĩ ra điều gì được nữa ngoài một điều rằng bố nuôi của tôi có thể sẽ phải ra đi bất cứ lúc nào. Trước nay, mẹ không hề mắng tôi dù tôi có sai phạm gì cũng chỉ là vài câu nhẹ nhàng. Song bây giờ,…
Mẹ khóc. Mẹ ngồi sụp xuống hiên nhà mà khóc. Bố nuôi bệnh đã vài tháng nay, một mình chạy vạy khắp nơi và đến giờ phút này mẹ đã bất lực hoàn toàn. Đôi vai gầy của mình chịu sao cho thấu đây?
Mẹ khóc. Tôi đau. Nước mắt mẹ như chảy vào trong mắt tôi trở thành thứ dầu hữu hiệu cho lòng oán hận chồng chất được dịp bốc cao.
AAA!!! – Tôi hét lên và chạy ra khỏi nhà.
– Vũ Phong! Vũ Phong! Con ơi! Con… – Mẹ khóc gọi, chạy theo tôi và mẹ đã ngã quỵ trước sân. Bàn tay mẹ vẫn với lên như muốn kéo tôi lại.
Sấm vẫn đánh. Sét vẫn rạch trời đất. Mưa chưa có dấu hiệu ngừng. Và tôi cũng không dừng bước.
Một lần nữa, tôi chạy trên con đường đến nhà lão thầy thuốc nhưng lần này không giống lần trước bởi bên tôi lần trước là mẹ hiền, còn lần này là… con dao khát máu.
Tôi đập cửa nhà lão, nhặt gạch, nhặt đá ném vào mái ngói nhà lão.
Lão không muốn ra nhưng cũng không thể không ra.
Cửa mở.
– Mày muốn…. HỰ!…mày…mày… – Con dao nhọn trong tay tôi đã cắm ngập vào bụng lão khi lão còn chưa hay chuyện gì xảy ra.
Lão lảo đảo vài cái rồi ngã ngửa.
Hai mắt lão trợn ngược.
Lão chết.
Tay tôi cứng đờ, vẫn nắm chặt con dao.
Sét đánh.
Từ khuôn mặt đến thân thể tôi nhuôm đầy máu tươi. Con dao trên tay tôi cũng đang nhỏ máu.
Tôi hoảng loạn và lao đi.
Đêm mưa.
Tôi đã giết người.
———–
Thuộc truyện: Đôi cánh hai màu – by VuPhong
- Đôi cánh hai màu - Chương 2: Làm con nuôi
- Đôi cánh hai màu - Chương 3: Tôi giết người
- Đôi cánh hai màu - Chương 4: Kẻ lang thang
- Đôi cánh hai màu - Chương 5: Bước ngoặt
- Đôi cánh hai màu - Chương 6: Thanh lý môn hộ
- Đôi cánh hai màu - Chương 7: Tình cờ
- Đôi cánh hai màu - Chương 8: Có nên nhìn mặt mà bắt hình dong
- Đôi cánh hai màu - Chương 9: Võ đài
- Đôi cánh hai màu - Chương 10: Hiểu Minh
- Đôi cánh hai màu - Chương 11: Ngôi mộ của mẹ
- Đôi cánh hai màu - Chương 12: Những điều bí ẩn về quá khứ của mẹ
- Đôi cánh hai màu - Chương 13: Cảm xúc không tên
- Đôi cánh hai màu - Chương 14: Quyết định sai lầm
- Đôi cánh hai màu - Chương 15: Trái Tim Hiện Hình
Leave a Reply