Truyện gay: Đôi cánh hai màu – Chương 12: Những điều bí ẩn về quá khứ của mẹ
Email cũ bị mất. Các bạn có truyện muốn đăng vui lòng gửi truyện về [email protected]. Nhớ ghi rõ Tên truyện, chương nào.
Đi những bước thật chậm trong khu vườn không rộng như để tìm lại cho bản thân những hình ảnh của tuổi thơ, tôi lẳng lặng không nói gì. Hiểu Minh cũng vậy, cậu chỉ nhẹ nhàng bước bên tôi, thỉnh thoảng cười vui thích thú. Phải chăng đó là cảm giác lần đầu về vùng nông thôn của cậu. Tôi không biết và cũng không hỏi bởi lúc này đây chính tôi còn đang mơ hồ trong luồng ký ức chợt ẩn chợt hiện.
– Tổng giám đốc! Tôi hái táo có được không? – Hiểu Minh chợt cười nói với tôi.
Tôi nhìn cây táo sai trĩu quả, gốc táo đã già bỗng nhớ lại năm nào tôi đòi bố nuôi trồng táo cho bằng được. Thuở ấy, tôi rất thích ăn táo và càng thích trong vườn có một cây táo hơn. Vì vậy tôi đã khóc ăn vạ, bắt bố đi mua giống cây dẫu đó chẳng phải mùa trồng táo. Cuối cùng, bố mẹ phải dỗ dành tôi mãi. Sau đó không lâu thì bố cũng mua cây giống về và tôi hăng hái đem trồng nó dưới sự hướng dẫn của bố. Thấm thoắt đã hơn hai mươi năm trôi qua, cây táo nhỏ ấy đã già, cũng như tôi từ một đứa bé ngây thơ thành một kẻ máu lạnh.
Nhìn vào đôi mắt thích thú của Hiểu Minh, tôi cười nhẹ:
– Nếu cậu muốn thì cứ hái bao nhiêu tuỳ thích!
Hiểu Minh lập tức cười tươi, cậu nhảy lên vin cành táo loà xoà xuống và hái, một số quả đã già theo đó rụng xuống.
– Tổng giám đốc ăn đi! – Hiểu Minh chọn mấy quả táo ngon nhất và đưa cho tôi.
Lắc đầu nhẹ, tôi nói:
– Cậu ăn đi! Tôi không muốn ăn!
Mặt Hiểu Minh chợt xụ xuống, tay cậu thả ra cho cành táo bật lên cao.
– Tổng giám đốc không thích ăn táo sao? – Hiểu Minh hỏi tôi.
Tôi xoa nhẹ đầu Hiểu Minh cho ánh mắt cậu hé lên niềm vui rạng rỡ. Đôi lúc tôi cũng chẳng thể hiểu hành động của mình nữa.
– Tôi đã từng rất thích táo nhưng bây giờ thì với tôi mọi thứ đều giống nhau thôi! – Tôi nói khi thấy Hiểu Minh chăm chú nhìn tôi chờ đợi câu trả lời.
Hiểu Minh cắn một miếng táo, nhìn tôi thắc mắc:
– Chẳng lẽ Tổng giám đốc không thích gì sao?
Tôi chưa đáp mà ngước mắt lên nhìn bầu trời vương mây trắng trong làn gió lạnh. Không thích gì ư? Có lẽ không phải thế. Vậy thì tôi thích gì? Có điều gì làm tôi lưu tâm đến trong cuộc đời này ngoài việc trả thù người cha ruột của tôi không? Tôi không biết nữa, trái tim của tôi từ sớm đã thuộc về thù hận chứ đâu còn là của tôi nên dường như nó chẳng để ý được một thứ gì cho bản thân tôi và chẳng bao giờ đưa cho tôi một câu trả lời nào về cảm xúc.
– Táo ngọt lắm! Tổng giám đốc ăn đi! – Hiểu Minh đặt táo vào tay tôi khi thấy tôi hồi lâu không nói.
Tôi cười nhạt, cầm quả táo trong tay, chợt hỏi:
– Cậu thích cái gì?
Hiểu Minh cười tươi:
– Tôi thích nhiều thứ lắm, có kể cả ngày cũng không hết!
Tôi gật đầu:
– Thế thích gì nhất?
Hiểu Minh nhìn vào mắt tôi, cậu thoáng đỏ mặt rồi nói:
– Tôi…thích…. – Hiểu Minh gãi đầu nói không nên lời.
Nhìn vẻ mặt của cậu, tôi thấy thật dễ chịu:
– Đừng nói cậu thích tôi rồi đỏ mặt không nói được nhé!
Hiểu Minh vội lắp bắp:
– Không…không…phải…vậy…tôi…tôi…ý…tôi…là…
Lắc đầu cười nhẹ, tôi đút quả táo vào miệng Hiểu Minh:
– Ăn đi! Tôi tôi gì mãi thế!
Mặt Hiểu Minh lập tức đỏ bừng như quả cà chua chín mọng, hàng mi mắt cong dài của cậu cụp xuống như luyến tiếc một điều gì đó. Và chẳng hiểu sao, trong lòng tôi cũng dâng lên một thứ cảm xúc mà tôi không gọi tên nổi hay đúng hơn là tôi chẳng có thời gian để gọi tên bởi…
– Ai đang ở trong vườn nhà tôi đó? – Tiếng nói quen thuộc trong những giấc mơ của tôi chợt vang lên làm tôi hướng mắt ra phía cổng.
……………………………………….
Trong khoảnh khắc đó, đôi chân bất động, tôi đứng sững lại. Trước mắt tôi lúc này là một người đàn ông và một người phụ nữ khoảng chừng trên dưới sáu mươi tuổi, mái tóc hoa râm, đang đặt trên người chúng tôi những ánh mắt không mấy thiện cảm.
– Hai cậu tìm ai? – Người phụ nữ hỏi tiếp.
Im lặng. Tôi không trả lời. Đôi mắt tôi như mờ đi, tai tôi ù ù, người phụ nữ nói thêm gì đó nhưng tôi cũng không nghe rõ nữa, từng góc của kí ức tranh giành sáng tối trong đầu tôi cho đôi chân tôi chạy thật nhanh đến ôm chầm lấy người phụ nữ đó.
– Này cậu! Cậu làm cái gì đó? Mau buông tôi ra! – Người phụ nữ thoáng bất ngờ rồi kêu lên.
Thế nhưng tôi không quan tâm tới mấy lời đó. Hai cánh như chiếc kìm sắt của tôi càng ghì chặt lấy bà ấy hơn mặc cho bà ấy giãy giụa và hét lớn. Bà ấy còn cố nhoài đầu ra cắn vào bắp tay tôi nhưng làm sao có thể khiến tôi đau. Tay tôi chẳng hề hấn gì trong khi hàm răng đã yếu của bà ấy dường như phải lung lay.
– Cậu kia! Nếu cậu không thả bà ấy ra, tôi sẽ gọi người tới đó! – Người đàn ông gắt và lao vào, cố gắng tách tôi và người phụ nữ ra.
Tuy nhiên, tôi không những không làm theo lời của ông ta mà cánh tay phải của tôi lập tức choàng lấy ông ấy, ôm chặt cả hai người khiến cho hai người không thể cử động ngoài cái miệng có thể la hét.
– Cứu tôi với! Cứu chúng tôi với! – Hai người kêu toáng lên.
Lúc ấy, tôi đặt cằm tì vào đầu hai người, nói nhỏ:
– Bố mẹ có kêu tất cả mọi người tới cũng không thoát ra khỏi vòng tay con được đâu!
Ngay tức khắc, hai người im bặt, ngước mắt lên nhìn tôi đầy ngạc nhiên:
– Cậu…cậu…vừa…vừa…nói gì? – Hai người ngắc ngứ nói không nên lời.
Tôi nhìn vào khuôn mặt già nua theo năm tháng với những nếp nhăn xô vào nhau của họ, cười nhẹ:
– Cho con ôm bố mẹ một lát không được sao?
Ngay tức khắc, hai người im bặt, ngước mắt lên nhìn tôi đầy ngạc nhiên:
– Cậu…cậu…vừa…vừa…nói gì? – Hai người ngắc ngứ nói không nên lời.
Tôi nhìn vào khuôn mặt già nua theo năm tháng với những nếp nhăn xô vào nhau của họ, cười nhẹ:
– Cho con ôm bố mẹ một lát không được sao?
Mắt rưng rưng lệ, mẹ nhìn thật kĩ khuôn mặt tôi, tiếng nói trở nên nghẹn ứ trong cổ họng:
– Con…con…là…là…
– Vũ Phong! – Tôi mỉm cười, hoàn tất câu nói của mẹ.
Giây phút ấy, nụ cười rạng rỡ đã xen lẫn những giọt nước mắt lăn trên gò má của bố mẹ, họ không đẩy tôi ra nữa mà ôm tôi chặt hơn. Tiếng nấc, tiếng khóc sụt sùi của mẹ vang lên cùng tiếng cười trầm ấm của bố làm cho mùa đông dường như bớt đi sự giá lạnh. Tuy tôi không phải là đứa con họ rứt ruột sinh ra nhưng tôi biết bố mẹ yêu thương tôi không kém bất kì bậc sinh thành nào. Sự mừng mừng tủi tủi trong lần gặp lại sau hai mươi năm xa cách này càng khẳng định thêm tình thương mà họ dành cho tôi. Có lẽ vậy mà lòng tôi được sưởi ấm, cho đôi mắt của tôi dần đỏ lên trong niềm xúc động.
– Sao bây giờ con mới về hả ? Mẹ nhớ con lắm con biết không ? – Mẹ nghẹn ngào trách móc trong vòng tay tôi.
Tôi cười nhẹ, định lên tiếng đáp thì ngoài cổng lúc này người ta đang đổ xô từ bốn phía tới, hò hét ầm ĩ, tay dao, tay gậy chuẩn bị xông vào nhà tôi. Thấy vậy, tôi nhẹ nhàng buông tay, nhớ lại tiếng kêu cứu vừa rồi của bố mẹ, cười nói :
– Bố mẹ xem thành quả của bố mẹ kìa ! – Tôi chỉ về phía cổng.
Bố tôi cười trừ, nói :
– Để bố giải thích với họ !
Thế rồi ông mau chóng đi ra cổng, xoa dịu những khuôn mặt đang bừng bừng nghĩa khí kia bằng một tràng cười.
Mẹ cười nhẹ, cầm tay tôi, nhìn bầu trời đang lộng gió, nói :
– Ngoài này lạnh lắm, chúng ta vào nhà thôi con !
Tôi gật đầu, vẫy Hiểu Minh đang cười tươi đi theo mình. Ngoài kia, người ta vẫn đang tò mò nhìn tôi, thầm thào nói với nhau gì đó và dành cho tôi những cái nhìn đầy thắc mắc. Tôi biết người nhà quê vẫn vậy, luôn nhiều chuyện nhưng cũng thật tốt bụng.
Cửa mở. Ánh sáng nhẹ tràn vào cho tôi chậm rãi nhìn khắp căn nhà bài trí đơn giản nhưng đem đến trong tôi một cảm giác bình yên đến lạ thường.
– Vũ Phong ! Lại đây để mẹ ngắm con kĩ lại nào ! – Mẹ cất chiếc chìa khoá nhà rồi quay ra nói với tôi.
Tôi ngồi xuống cạnh mẹ, khoé miệng hơi nhếch lên, lẳng lặng không nói gì. Tôi biết người thương yêu tôi nhất trên đời này hiện tại chỉ có bố mẹ mà thôi.
Đưa đôi bàn tay chai sạn rám nắng vuốt ve từng góc cạnh trên khuôn mặt tôi, mẹ nhìn tôi thật lâu. Cười ra nước mắt, mẹ nói :
– Vũ Phong bé bỏng ngày nào của mẹ đây ư ? Mẹ đã già không thể nào nhận ra nổi nữa ! Con của mẹ trưởng thành thật rồi !
Tôi không đáp, chỉ nhìn sâu vào đôi mắt hiền từ đầy yêu thương mẹ đang dành cho tôi, giống như ngày nào mẹ đón nhận tôi làm con của mẹ. Thời gian trôi qua thật nhanh, cảm giác như mới chỉ hôm qua đây thôi mà phút chốc đã hơn hai mươi năm rồi.
– Bác vẫn còn trẻ lắm ! Làm sao có thể nói là đã già được ! – Hiểu Minh cười tươi, nhìn mẹ tôi và nói.
Mẹ cười hỏi :
– Cháu là thế nào với Vũ Phong ?
Hiểu Minh chưa kịp mở miệng thì tôi nháy mắt, đáp thay cậu :
– Cậu ấy là bạn con !
Mẹ gật đầu, cười :
– Nhìn cháu thật dễ thương ! Bố mẹ cháu chắc phải đẹp lắm !
Hiểu Minh gãi đầu, đôi mắt cậu ánh lên niềm vui.
– Vũ Phong đâu rồi ? Để bố nhìn con kĩ hơn nào ! – Bố chợt nói từ ngoài vào, câu nói giống của mẹ.
Tôi đứng dậy trong khi bố bước đến bên tôi. Bố nhìn tôi một lượt từ trên xuống dưới, rồi lại từ dưới lên trên, vỗ vai tôi, nói :
– Càng lớn càng đẹp trai, càng mạnh mẽ !
Tôi mỉm cười, ngồi xuống cùng bố. Còn mẹ thì bắt đầu hỏi :
– Vũ Phong ! Hai mươi năm qua con đã sống thế nào ? Tại sao con bỏ bố mẹ đi và không liên lạc gì với bố mẹ lâu như vậy chứ ? Mẹ đã tưởng cả đời này sẽ không còn được gặp con nữa !
Một thoáng im lặng, tôi không đáp. Thấy vậy, bố tôi quở nhẹ :
– Cái bà này ! Con nó mới về còn chưa kịp nghỉ ngơi đâu đó !
Mẹ tôi cười :
– Phải ha ! Hai con đói chưa ? Hôm nay hai con thích ăn gì để mẹ nấu !
Vừa nói mẹ vừa đứng lên, tất tả định chuẩn bị bữa trưa cho tôi và Hiểu Minh. Thế nhưng, tôi đã ngăn mẹ lại :
– Con chưa đói. Mẹ ngồi xuống đây con có chuyện muốn hỏi bố mẹ !
Bố mẹ nhìn khuôn mặt đã trở nên nghiêm lạnh của tôi thì lo lắng hỏi :
– Có chuyện gì vậy con ?
Tôi chậm rãi nói :
– Hôm nay con ra nghĩa trang thì không thấy mộ của mẹ và em con. Có phải bố mẹ đã chuyển hai ngôi mộ ấy đi không ?
Ánh mắt chứa đầy sự ngạc nhiên, bố không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi mà nói :
– Thế con vẫn chưa được gặp ông bà ngoại của con sao ?
Tôi hơi sững người khi nghe bố hỏi vậy:
– Ông bà ngoại ? – Tôi tròn mắt nhìn mẹ để hỏi lại chứng minh mình không nghe nhầm.
Mẹ gật đầu :
– Đúng vậy ! Họ chưa tìm thấy con hả ?
Tôi lắc đầu hỏi :
– Họ là ai ? Con có ông bà ngoại sao ? Con chưa gặp họ bao giờ !
Nói thì thật lạ nhưng thực sự tôi chưa bao giờ được biết đến họ hàng nội ngoại của mình. Trước khi mẹ mất, tôi chỉ có một người thân duy nhất là mẹ. Cho đến cái ngày đen tối ấy thì tôi biết thêm mình rằng mình có một người cha đáng hận. Bây giờ nghe bố mẹ nuôi nhắc đến ông bà ngoại thì tôi cũng chỉ nhớ được rằng trong hơi thở cuối cùng mẹ nói với tôi một câu không rõ ràng về họ : “Con… hãy… đi… tìm… ông… bà… ngoại… của… con… ở….” Ngoài điều đó ra thì chưa bao giờ tôi có ý niệm gì về những người được gọi là ông bà ngoại của tôi. Họ ở đâu ? Bao nhiêu tuổi ? Mặt ngang mũi dọc thế nào ? Tính tình ra sao ? Tôi đều không hề biết và cũng chưa từng nghe kể. Tôi cũng chưa bao giờ có ý định đi tìm họ và dẫu muốn tìm thì câu nói của mẹ cũng đâu cho tôi manh mối gì, chẳng khác nào mò kim đáy bể.
Nhìn tôi trầm lặng như vậy, mẹ vỗ nhẹ vào lưng tôi như khi tôi còn nhỏ, thở dài :
– Thật tội cho con ! Đêm hôm ấy con đi thì ngay sáng hôm sau ông bà ngoại con tới ! Mà nhắc đến chuyện đó, có phải con…con…đã…
Bỗng nhiên mẹ ấp úng rồi ngừng lời nhìn Hiểu Minh như e ngại điều gì. Thấy vậy, Hiểu Minh cười cười. Cậu đứng lên thì tôi kéo cậu ngồi xuống, nói với mẹ nhưng lại nhìn thẳng vào mắt Hiểu Minh :
– Có gì mẹ cứ nói, cậu ấy sẽ không tiết lộ nửa lời chuyện của con cho người khác đâu !
Mẹ gật nhẹ, nhìn Hiểu Minh lần nữa rồi hỏi tôi :
– Con có nhớ thầy thuốc trị bệnh cho bố con không ?
Cười nhạt, tôi thầm nghĩ làm sao tôi có thể quên được gã thầy thuốc đáng nguyền rủa đó chứ. Tuy vậy, tôi chỉ thản nhiên hỏi mẹ :
– Mẹ muốn nói tới lão già không chịu tới chữa cho bố vì chúng ta không có tiền đó hả ?
Mẹ gật đầu, ánh mắt đầy lo lắng :
– Đúng vậy ! Ông ta…chết…có…phải… do…
– Con giết ! Ông ta đáng chết ! – Tôi lạnh lùng nói khi mẹ run giọng không thể nói nên lời.
Một giọt nước mắt đã rớt trên gò má mẹ còn bố cũng thở dài nói :
– Năm đó có người nhìn thấy con vác dao đến nhà ông ta rồi đột nhiên con lại biến mất khiến mọi nghi ngờ đổ dồn về con. Bố mẹ thì nhất quyết tin là không phải con làm nhưng không ngờ sự thật là vậy.
Bố nói điều này tôi cũng không lấy gì làm lạ. Tôi hiểu chỉ vì bố mẹ thương tôi và tôi lúc ấy thì còn quá nhỏ nên họ không bao giờ và không dám nghĩ là tôi đã giết người thôi. Với bố mẹ tôi thì giết người là một điều đáng sợ nhưng với tôi thì nó đã trở nên quá bình thường và quen thuộc. Thế nên tôi cũng không để tâm lắm về chuyện này, hỏi tiếp :
– Tại sao bố mẹ lại nhắc tới lão thầy thuốc đó? Lão ta và ông bà ngoại con có liên quan gì ?
Bố nhìn ra ngoài, bầu trời đang phảng phất vài đám mây u ám, chậm rãi nói :
– Nhớ lại hôm ấy, khi người ta đến nhà tìm bắt con và đang tra khảo mẹ con thì ông bà ngoại con tới. Nếu không nhờ ông bà ngoại con thu xếp thì thật không biết bây giờ chúng ta có còn sống được hay không nữa.
Tôi liền hỏi :
– Ông bà ngoại con là người thế nào ?
Mẹ gạt đi nước mắt, đáp :
– Ông bà ngoại con cực kỳ giàu có. Ban đầu họ vào nhà, mẹ tưởng họ tìm lầm vì bố mẹ không thể nào có quan hệ gì với những người sang trọng và quyền quý đó.
Giàu có ư ? Thì ra là vậy. Thắc mắc bấy lâu của tôi về mẹ cuối cùng cũng có cây trả lời. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao mẹ lại có vẻ đẹp khác hoàn toàn với những người phụ nữ nông thôn. Tuy nghèo và làm lụng vất vả giống họ nhưng nước da mẹ vẫn rất trắng, dáng người lại thanh thoát. Dẫu mẹ mặc quần áo rách rưới, cũ mèm nhưng từng bước đi của mẹ vẫn tôn lên phong thái của gia đình quyền quý. Đặc biệt lời nói đến nụ cười của mẹ vô cùng tao nhã, nhỏ nhẹ không giống chút so với cách trò chuyện thoải mái, bộc trực của người dân quê. Nhưng tôi lại không thể nào hiểu nổi ông bà ngoại tôi giàu có như vậy thì tại sao mẹ tôi lại sống trong cảnh nghèo khó đến mức khổ sở chứ ? Rốt cuộc giữa mẹ tôi và ông bà ngoại đã xảy ra chuyện gì ? Vì sao mà mẹ tôi không bao giờ nhắc tới ông bà ngoại cho đến khi mẹ tôi biết mình không thể sống được nữa mới nói cho tôi vài lời mơ hồ đó ? Nghĩ vậy, tôi hỏi:
– Tại sao hôm đó ông bà ngoại con lại tới đây?
Mẹ nói:
– Ông bà ấy đến tìm con. Chuyện thế nào thì mẹ cũng không rõ lắm, lúc đó mẹ có hỏi thì ông bà ngoại con chỉ ậm ừ, nói rằng hai người tìm mẹ con đã nhiều năm, cho đến thời gian đó mới có tin tức thì nào ngờ mẹ con đã không còn trên đời, ông bà con muốn đem con về nuôi dưỡng nhưng….haizz…con cũng đã đi rồi…
Con gió lạnh khẽ thoảng qua, tôi hỏi tiếp:
– Sau đó thì sao?
Mẹ đáp:
– Trong suốt khi nghe mẹ kể về chuyện của con, ông bà ngoại con không nói gì cũng không hề có biểu hiện nào nên mẹ không biết ông bà con nghĩ gì. Nghe xong, ông ngoại con chỉ nói một câu rằng chuyện về lão thầy thuốc đó để ông bà con giải quyết rồi đi luôn.
– Họ không quay lại nữa sao? – Tôi hỏi.
Mẹ lắc đầu:
– Không phải! Ngay chiều hôm đó ông bà con đã trở lại, nói là đã sắp xếp xong xuôi, bố mẹ cứ yên tâm. Mẹ không rõ là ông bà con làm cách nào nhưng thật lạ là sau đó gia đình bên kia cũng không đả động gì đến chuyện này mà công an cũng không truy hỏi gì nữa.
Tôi gật nhẹ, thừa hiểu cách mà ông bà tôi đã làm nên không để ý chuyện đó nữa. Nhìn sang bố, tôi hỏi:
– Năm ấy làm sao mà bố thoát bệnh?
Bố cười nhẹ:
– Cũng là nhờ ông bà con cả đó!
Tôi muốn nghe rõ hơn nên hỏi mẹ:
– Là thế nào vậy mẹ?
Mẹ nhớ lại một chút rồi từ từ kể:
– Đêm ấy, lúc con chạy đi, mẹ đã chạy theo con nhưng mẹ thật vô dụng, đã ngã xuống bậc thềm nên không thể chạy được nữa. Lúc đó mẹ ân hận lắm vì đã mắng con nhưng không biết làm cách nào cả.
– Đó là lỗi tại con, con đáng bị mẹ mắng! – Tôi ngắt lời khi nghe mẹ nói vậy.
Mẹ ừm nhẹ rồi nói tiếp:
– Nhìn bố con đang đau đớn trong nhà, mẹ đi tìm con không đành mà ở lại cũng không xong. Rồi mẹ nghĩ nhất định con sẽ không bỏ bố mẹ nên gượng dậy chăm sóc bố con. Thuốc hết mà tiền không có, mẹ bèn đánh gió cho bố con. Thực sự ngoài việc đó ra thì mẹ cũng đâu làm gì khác được. Ấy vậy mà không ngờ mẹ đánh gió suốt đêm thì đến sáng bố con cũng đỡ được chút ít. Thấy con vẫn chưa về, mẹ đang tính đi tìm con thì người nhà lão ta ầm ầm kéo tới nhà mình giết chết con để báo thù.
– Họ có làm gì bố mẹ không? – Tôi hỏi.
Mẹ cười nhẹ:
– Người nhà lão ta đập phá nhà mình nhưng con biết đó, nhà chúng ta đâu có gì. Bố con đang bệnh nặng nên họ cũng không dám động tới. Còn mẹ, họ mới truy hỏi được vài câu thì ông bà ngoại con tới. Ông bà ngoại con nói lý với đám người đó và đuổi họ đi. Nhìn dáng vẻ hơn người của ông bà ngoại con nên họ cũng không làm bừa nữa, hậm hực bỏ đi và nói rằng sẽ để công an giải quyết việc này. Sau đó, như mẹ đã kể, ông bà ngoại con trò chuyện với mẹ một lát rồi đi luôn. Lúc đó mẹ lo lắm, thêm nữa đến chiều bệnh của bố con lại đột ngột nghiêm trọng. Mẹ đã rất sợ là sẽ mất bố con mãi…mãi…
Nói tới đây, mẹ nghẹn lời xúc động, một lát mới lấy lại bình tĩnh, mẹ cười nhẹ, kể tiếp:
– Thật may là ông bà ngoại con tới. Thấy bố con như vậy ông bà liền gấp rút đưa bố con lên xe tới bệnh viện thành phố. Nhờ vậy mà bố con mới qua khỏi. Mọi chi phí đều do ông bà con chi trả. Bố mẹ thật chưa biết làm gì để báo đáp ông bà con thì ông bà con lại đưa cho mẹ một số tiền nói là để đền ơn bố mẹ đã chăm sóc con trong thời gian qua. Nhưng nào mẹ dám nhận chứ, ông bà con đã giúp bố con từ cõi chết trở về đã là đại ân với bố mẹ. Thế rồi, ông bà con cũng không nói gì nữa, chỉ động viên bố con mau chóng hồi phục rồi tiếp tục đi tìm con. Cho đến hai ngày sau thì ông bà con quay lại. Mẹ cứ ngỡ là ông bà đã tìm được con nhưng không phải. Lần này hai người dẫn theo một đám thợ nữa.
– Tại sao lại vậy? Họ dẫn theo đám thợ đó làm gì? – Tôi thắc mắc.
Mẹ cười:
– Ban đầu mẹ cũng lấy làm lạ, chúng ta đâu có việc gì mà phải huy động đến nhiều người như vậy. Mẹ hỏi thì mới biết ông bà ngoại con cho người đến dỡ nhà.
– Dỡ nhà? – Tôi ngạc nhiên.
Mẹ gật đầu:
– Đúng! Mẹ không hiểu sao hiểu nổi hành động kỳ quái của ông bà con. Ông bà con cũng không giải thích gì, chỉ nói bố mẹ có gì quan trọng trong nhà thì mau đem ra rồi ngay lập tức cho người phá ngôi nhà không còn gì. Bố mẹ nhất quyết phản đối nhưng ông bà con còn cho vài vệ sỹ giữ không cho bố mẹ nhúc nhích.
Nghe đến đó, tôi mỉm cười:
– Ông bà xây cho bố mẹ một ngôi nhà mới phải không?
Bố mẹ há miệng đồng thanh:
– Sao con biết?
Tôi cười thầm, nếu là tôi thì tôi cũng sẽ làm như vậy. Đưa tiền cho bố mẹ thì bố mẹ sẽ nhất quyết không nhận, thuyết phục chỉ thêm tốn thời gian. Trong khi đó ngôi nhà bố mẹ đang sống thì đã tồi tàn. Với khả năng của ông bà thì việc xây một ngôi nhà quá đơn giản song làm thế nào để bố mẹ chịu thì chỉ có cách phá nhà bố mẹ đi mà thôi, bố mẹ sẽ không còn cách nào khác là phải nhận món quà đó. Nghĩ vậy song tôi chỉ cười nhẹ:
– Con đoán vậy thôi!
Bố mẹ gật đầu còn Hiểu Minh nhìn tôi với đôi mắt hiện ý cười cho sự thấu hiểu. Có lẽ cậu cũng như tôi đã biết cái tính buộc người khác làm theo ý mình dẫu họ muốn hay không của tôi một phần bắt nguồn từ đâu ra.
Bố gật gù, nói:
– Đúng vậy! Con thật thông minh, ông bà con đã xây cho bố mẹ ngôi nhà này. Đến ngày giỗ mẹ con năm ấy thì ông bà con đến chuyển mộ của mẹ và em con đi để tiện hương khói.
– Họ chuyển đi đâu ? – Tôi hỏi.
Mẹ lắc đầu :
– Bố mẹ không được biết, ông bà con chỉ nói là đến nơi ông bà con sống thôi.
– Không biết nơi nào sao bố mẹ lại để cho ông bà ấy chuyển mộ của mẹ con đi chứ ?
Mặt hơi trùng xuống, mẹ nói :
– Bố mẹ cũng đâu thể làm gì khác được hả con ? Ông bà con là người thân của mẹ con nên họ có quyền chuyển mộ của mẹ con đi. Ông bà con không muốn nói thì bố mẹ cũng không thể hỏi được.
Tôi gật nhẹ, nhớ lại câu nói ban đầu của bố mẹ thì hỏi :
– Vậy tại sao bố mẹ lại nghĩ con đã gặp được ông bà con rồi ? Họ nói vậy sao ?
Một lần nữa, mẹ lắc đầu :
– Đó chỉ là bố mẹ nghĩ vậy thôi. Những năm đầu, một hai tháng ông bà con lại ghé qua hỏi thăm tin tức của con, biết đâu con về đây. Nhưng hơn mười năm nay ông bà con không tới nữa nên bố mẹ tưởng ông bà con đã tìm được con rồi.
– Năm nay họ bao nhiêu tuổi rồi ?
Bố nhìn qua mẹ rồi nói :
– Năm đó ông bà con tới đây cũng phải trên dưới sáu mươi.
Ánh mắt chợt lo lắng, mẹ nói :
– Có thể nào ông bà con đã…không…không thể…ông bà con…
Bố ngắt lời mẹ :
– Bà chỉ được cái gở mồm thôi. Ông bà ấy tốt như vậy sao mất sớm được.
Ngay lập tức mẹ cười :
– Phải ha ! Mẹ chỉ nghĩ bậy bạ.
Tôi cười nhạt, lạnh lùng nói làm bố mẹ ngớ người :
– Họ chết rồi cũng dễ hiểu. Như bố mẹ nói thì năm nay ông bà ấy cũng ngoài tám mươi rồi. Chết không có gì là lạ.
Hai người nhìn nhau thở dài. Tôi không nói gì nữa, thầm nghĩ nếu ông bà ấy chết rồi thì chẳng phải tôi không thể nào biết mộ của mẹ và em tôi nơi đâu sao. Tôi thật là một thằng con bất hiếu mà, ngày mẹ mất tôi đã không thể nào đưa mẹ về nơi yên nghĩ cuối cùng, suốt hai mươi năm không thắp nổi cho mẹ một nén nhang. Đến giờ này thì tôi lại không biết mẹ đang nằm lại nơi nào. Tôi phải làm sao đây ? Không lẽ lại tiếp tục chờ đợi ông bà đến tìm tôi sao ? Không ! Tôi nhất định sẽ tìm được họ. Dù họ có chết tôi cũng phải thấy xác để tìm cho ra mộ của mẹ tôi. Còn cả người cha không đáng sống kia của tôi nữa. Biết đâu tìm ra ông bà ngoại lại giúp tôi tìm ông ta nhanh hơn thì sao. Dù ít dù nhiều thì ông bà tôi cũng sẽ biết về cha tôi. Và giữa mẹ và ông bà đã xảy ra chuyện gì tôi cũng phải làm cho ra lẽ. Nghĩ thế, tôi hỏi :
– Bố mẹ có cách nào liên lạc với ông bà con không ?
– Không con à ! Ông bà con tới và đi bất cứ lúc nào họ muốn, còn bố mẹ thì không có chút thông tin nào về họ cả. – Mẹ buồn rầu nói.
Tôi gật nhẹ, sớm biết điều đó nên cũng không ngạc nhiên:
– Hai người có ảnh của họ không? – Tôi hỏi thêm.
Một lần nữa, bố mẹ lắc đầu, mẹ nói:
– Thế nhưng, ông bà ngoại con rất đẹp lão, thực sự để có được một cặp vợ chồng như vậy rất hiếm. Cả hai dáng đều dong dỏng cao, mặt mũi hồng hào. Mà bây giờ nhìn con mới thấy con chính là hội tụ tất cả vẻ đẹp của hai người đó.
Nghe mẹ nói vậy, tôi chỉ cười nhẹ, thầm tính cách tìm ra ông bà của mình.
– Người của chúng ta rất đông, chúng ta sẽ nhanh chóng tìm được ông bà ấy thôi! – Hiểu Minh cười tươi.
Tôi gật đầu không nói gì. Tôi biết cậu nói thế chỉ để khích lệ tôi thôi, cậu thừa hiểu tìm người mà không có chút manh mối gì thế này khó hơn lên trời. Chỉ dựa vào khả năng nhận dạng của bố mẹ tôi thì biết bao giờ mới tìm được, cho dù để bố mẹ tôi miêu tả lại ông bà ngoại cho chuyên gia vẽ hình nhận dạng cũng không dễ dàng gì. Tuy vậy, khoé miệng tôi hơi nhếch lên, nói với Hiểu Minh:
– Đúng vậy! Tôi không tin không tìm ra hai người đó!
Lúc này, trời cũng đã quá trưa, mẹ cười nói:
– Mải nói chuyện để hai con đói rồi! Chờ mẹ một lát, mẹ nấu cơm ngay đây.
Nói rồi mẹ lập tức đứng dậy, Hiểu Minh cũng chạy theo:
– Để cháu giúp bác!
———–
Thuộc truyện: Đôi cánh hai màu – by VuPhong
- Đôi cánh hai màu - Chương 2: Làm con nuôi
- Đôi cánh hai màu - Chương 3: Tôi giết người
- Đôi cánh hai màu - Chương 4: Kẻ lang thang
- Đôi cánh hai màu - Chương 5: Bước ngoặt
- Đôi cánh hai màu - Chương 6: Thanh lý môn hộ
- Đôi cánh hai màu - Chương 7: Tình cờ
- Đôi cánh hai màu - Chương 8: Có nên nhìn mặt mà bắt hình dong
- Đôi cánh hai màu - Chương 9: Võ đài
- Đôi cánh hai màu - Chương 10: Hiểu Minh
- Đôi cánh hai màu - Chương 11: Ngôi mộ của mẹ
- Đôi cánh hai màu - Chương 12: Những điều bí ẩn về quá khứ của mẹ
- Đôi cánh hai màu - Chương 13: Cảm xúc không tên
- Đôi cánh hai màu - Chương 14: Quyết định sai lầm
- Đôi cánh hai màu - Chương 15: Trái Tim Hiện Hình
Leave a Reply