Truyện gay: Thằng bạn thân – Phần 2 – Chap 3
Email cũ bị mất. Các bạn có truyện muốn đăng vui lòng gửi truyện về [email protected]. Nhớ ghi rõ Tên truyện, chương nào.
Đã sáu giờ tối, tôi loay hoay vác chiếc xe đạp ra khỏi phòng, khoá cửa thật kỹ và phóng vội đi. Sương đêm lành lạnh phả vào mặt tôi, tôi còn ngửi thấy cái mùi hăng của đất và hơi nóng nó nhả ra sau cơn mua chiều. Hôm nay là thứ năm, và như bất kỳ thứ năm nào, tôi phải đi giao hàng cho tiệm bánh pizza bên kia con phố cho đến tận mười giờ đêm.
Đường ông Đổng vắng tanh, tôi nghĩ chắc chẳng ma nào lại loay hoay xách đít ra đường vào giờ này. Ở rìa của cái quận khỉ ho cò gáy này có khi lại hay, mỗi đêm tôi chỉ phải mang vài tá cái bánh đến một vài ngôi nhà quen thuộc ở gần đó. Và mỗi đêm như thế, tôi nhận được một trăm ngàn tiền công. Cái giá quá bở cho một công việc nhàn rỗi, mà tôi vốn cũng chẳng làm gì lúc đêm hôm, ở lại phòng trọ chỉ tội thêm chán. Nhưng đấy không phải là lý do chính khiến tôi nhận công việc này, tôi vẫn luôn dòm trước ngó sau, nhất là những góc khuất của con phố với cái hy vọng ngớ ngẩn rằng sẽ tìm được nó. Biết đâu nó đi lạc vào Sài Gòn. Biết đâu tôi lại vô tình thấy nó đang ngồi vất vưởng ở đâu đó, đôi tay vẫn loay hoay vạch những điều ngớ ngẩn lên mặt đất.
Tôi đang còn mãi suy nghĩ và dòm chăm chăm vào những góc khuất thì có tiếng còi inh ỏi rú lên điên cuồng ở trước mặt. Tôi vội vàng bóp thắng nhưng không kịp, chiếc mô-tô phân khối lớn rít lên một tiếng và lũi thằng vào giữa mạn sườn xe tôi, bật nó quay một vòng và hất tôi văng sang bên kia đường. Cái đau thấu xương nảy lên trên từng thớ thịt, tay tôi quẹt một vệt dài trên mặt đường nhám làm da bong cả ra nóng và rát tột độ. Đầu tôi may mắn đập vào bụi cỏ ven đường, nhưng một vài mảnh sỏi nhỏ lẫn trong đó khiến tôi đau nhói. Tôi co mình ôm lấy vết thương trên tay trong khi mắt lảo đảo nhìn về chỗ chiếc xe gắn máy. Tên con trai đang ngồi trên đó vừa kịp quăng tay lái và nhảy sang bên đường nên vẫn bình an vô sự, hơn nữa với bộ đồ da dày cộp mà hắn đang mặc thì dẫu có ngã hẳn cũng không nghiêm trọng như tôi. Tên con trai hớt hải chạy sang chỗ tôi và ngồi xuống bên cạnh.
“Anh có sao hông?” – gã hỏi. Tôi chợt giật mình khi nghe thấy cái chất giọng đặc khàn quen thuộc. Tôi lục tung trí nhớ để tìm kiếm một cái tên. Và trước khi sự im lặng kéo dài trở nên kỳ quặc, tôi đã nhớ ra. Thằng Tuấn! Cái giọng ấy là của thằng Tuấn! Tôi ngước mắt lên nhìn nó, chợt thấy bất ngờ trước một gương mặt hoàn toàn khác. Nó giờ đã đổi khác nhiều, tôi không còn trông thấy cái dữ dằn và ánh nhìn sắc lẻm như xưa. Nó cũng bất ngờ nhìn tôi, trong khi một tay vẫn bẩn thẩn đặt lên vai tôi kể từ lúc nó lay tôi.
Tôi dằng mình khỏi nó. Ngay lập tức, những ký ức xưa tràn về. Nếu chẳng phải là đứa có trí nhớ siêu phàm thì tôi cũng không phải là loại mau quên, nhất là với những gì nó đã làm với tôi, và thằng Khoa.
“Tao hông sao!” – Tôi giận dữ vùng dậy và bước về chỗ chiếc xe đạp đã cong queo sườn của mình. Đầu óc tôi choáng váng trong khi hai chân thì run rẩy. Cơn đau quái dị kéo đến làm tôi ngã xuống mặt đường. Thằng Tuấn chạy vội tới chỗ tôi, hai tay nâng vai tôi đặt lên đùi nó. Tôi vùng vằng giãy ra nhưng rồi cũng bất lực mà buông thõng người. Tôi yếu ớt thở, giờ mới thấy cái đau rát từ vết thương trên tay và một vài chỗ nhức không rõ ở chân mình.
“Để tao chở mày vô bệnh viện!” – Nó nói gọn lỏn, rồi bế thỏng tôi lên. Tôi vẫn biết nó khoẻ nhất nhì lớp, nhưng chưa từng nghĩ nó khoẻ đến độ có thể vác cái xác bảy mươi ký của tôi khỏi mặt đất dễ dàng như vậy. Tôi vội vàng gắt lên: “Không! Đừng mang tao vô bệnh viện!”, và giãy nãy đòi nó thả xuống đất. Tôi ghét bệnh viện vì chúng khiến tôi nhớ tới thằng Khoa, hơn nữa tôi cũng không chắc mình có thừa tiền để trả cho mọi thứ dịch vụ xa xỉ ở đấy. Tôi không muốn làm phiền tới má. Má tôi mà nghe tôi gọi xin tiền viện phí thì hẳn bà sẽ đáp ngay một chuyến xe đến đây.
Thằng Tuấn bối rối nhìn tôi. Tôi gắt gỏng quát vào mặt nó:
“Thả tao xuống gồi biến đi!”
Nó vẫn nhìn tôi bối rối, nhưng dường như đã hiểu được sự giận dữ của tôi, nó ngại ngần đặt tôi xuống đất, đầu vẫn gối lên đùi nó. Tôi còn muốn chửi rủa nó nữa, bởi hình như nó đã trở nên nhu nhược hơn hẳn sau hai năm. Giờ đây tôi cảm thấy mình rõ ràng có thế cao hơn nó. Nhưng tôi kiệt sức và ngất đi, chỉ kịp nhìn xoáy vào gương mặt thằng bạn khốn nạn của mình cách đây hai năm.
Tôi bần thần tỉnh dậy trên chiếc giường nệm quen thuộc. Vẫn cái vóc người vạm vỡ trong bộ áo da đen đang đứng bên cạnh tôi, tựa mình trên chiếc bàn học. Thằng Tuấn cất tiếng hỏi:
“Tỉnh rồi hả?”
Tôi ngay lập tức nhận ra mình đang nằm tại phòng trọ. Tay tôi không còn đau nữa, thay vào đó đã được băng lại gọn gàng bởi một lớp gạc mỏng. Bên ngoài trời đã tối om, không còn chút ánh sáng nào. Đồng hồ chỉ mười một giờ đêm. Tôi ngồi bật dậy, quay về chỗ nó mà gắt:
“Mày làm gì đây? Sao mày biết chỗ tao?”
Thằng Tuấn bất ngờ trước câu hỏi xốc trớn của tôi, nhưng cũng kịp gượng gạo đáp:
“Mày nhét tờ giấy ghi địa chỉ phòng trọ trong ví ấy! Nãy tao vác mày vô trạm xá cho người ta băng lại rồi chở mày về đây… Xe mày tao gửi tiệm sửa xe đầu hẻm á!”
Tôi chợt thấy đầu tức ong ong khi nghĩ tới chuyện nó lục ví mình. Hẳn nó cũng thấy cả những thứ riêng tư tôi nhét vào đó. Tôi chồm ngay dậy, bất ngờ vì đã cảm thấy vững vàng hơn hẳn, mà quát: “Mẹ mày! Sao lục đồ tao?”
Nó ú ớ đáp: “Ờ… tao. Thì tao phải coi thử mày có giấy tờ gì để mò ra được không… Chứ tao… tao biết mang mày đi đâu. Không lẽ bỏ ngoài đường à?”
Tôi vùng vằng chạy tới chỗ nó, nắm lấy vạt áo nó mà đẩy về chỗ cửa. Miệng tôi cay cú chì chiết: “Ừ, cảm ơn công lao của mày. Giờ thì biến đi cho tao yên!”. Nó không dằng lại tôi, nhưng dường như tỏ ra thật khổ sở muốn được nói với tôi điều gì. Miệng nó rối rít gọi: “Khoan! Khoan… khoan đã Duy! … Nghe tao…”
Rầm! – cửa đóng.
“… nghe tao nói đã” – tiếng nó vang lên nhỏ xíu ở phía bên kia cánh cửa. Tôi tắt đèn ngoài, biết rằng nó sẽ phải đối mặt với một màn tối đen kịt mãi cho đến tận đầu hẻm. Nó còn đứng đó một hồi lâu vì tôi có thể nghe thấy tiếng nó thở hổn hển hắt qua khe cửa. Nhưng được một chặp, nó bỏ đi. Tôi trở vào trong, vẫn cảm thấy giận dữ tột độ. Giá mà tôi quăng cái tờ giấy địa chỉ vớ vẩn ấy đi! – Tôi thầm nghĩ. Má bắt tôi ghi địa chỉ mình ở và nhét vào ví phòng khi gặp nạn. Giờ thì rõ là cái “lo xa” của bà cũng đã phát huy tác dụng. Nhưng tôi chẳng hề muốn gặp lại thằng Tuấn, càng không muốn nó theo chân về đến tận phòng mình. Hình như tôi vẫn còn kinh tởm những trò đùa cợt kệch cỡm nó bày ra với tôi và thằng Khoa.
Tôi lại bần thần nhìn về chỗ tấm hình thằng Khoa ở bàn học. Thằng Tuấn làm tôi nhớ tới nó. Chợt có tiếng kêu khe khẽ vang lên và một vật đen nằm trên bàn bắt đầu rung. Điện thoại của thằng Tuấn. Tôi vớ lấy chiếc điện thoại, bật đèn ngoài và mở cửa nhìn ra ngoài. Nó đã đi từ lâu. Tôi lại chán nản nghĩ tới việc phải gặp lại nó một lần nữa khi nó quay trở lại lấy đồ đã bỏ quên.
Tôi ngần ngại đặt chiếc điện thoại của nó trở lại bàn. Chiếc điện thoại cảm ứng mới coóng lại tiếp tục run lên: Hai tin nhắn mới.
Tôi đóng cửa, tắt đèn và quay trở về nệm. Mai nó sẽ đến lấy lại đồ, và rồi tôi sẽ chẳng còn phải gặp thằng khốn ấy nữa – tôi tự nhủ và lim dim chìm vào giấc ngủ. Ngày mai sẽ là một ngày dài, tôi sẽ phải giải thích đủ điều với ông chủ nếu không muốn bị đuổi việc vì buổi vắng mặt hôm nay…
Giọt nắng sớm chòng chành lượn qua ô cửa sổ và buông mình nhẹ nhàng trên mặt tôi. Cái gắt gỏng dìu dịu chỉ đủ làm tôi tỉnh giấc, nhưng vẫn còn lười nhác gượng lại thêm một chặp.
Tôi ngồi bật dậy sau vài chục phút nằm chán nản, đầu óc vẫn còn hơi choáng váng vì vụ tai nạn đêm qua. Tay tôi còn nhức nhưng đã đỡ hơn hẳn, còn những vết bầm trên chân thì đến giờ mới trương lên thành những khoảng da tím ngắt. Tôi thở một tiếng dài chán nản và bước vội vào phòng tắm. Vất vả trút bỏ chiếc áo thun trắng mỏng tanh và cái quần jean dày cộp đã dơ mèm đất khỏi mình, tôi lặng lẽ nhìn mình trong gương. Tôi nhìn từng bắp thịt săn chắc, nhìn cả những chỗ sẹo hằn mờ mờ ở mép phải ngực vì những trò nghịch dại cùng thằng Khoa khi còn bé. Hai năm rồi, tôi đã đổi khác nhiều. Hình như tôi trắng hơn và vóc dáng tôi rõ ràng đô to hơn hẳn. Tôi chợt nhớ lại những câu đùa cợt của thằng Khoa mấy lúc nó đứng nép đít bên bệ giếng ngó tôi tắm, miệng cứ chu chuýt mà ngoắt:
“Cởi tía ra đi mày! Làm như con gái mà ngại với tao!”
Tôi bất chợt mỉm cười với chính mình trong gương, rồi lẩm bẩm lại cái câu mà trước đây tôi đã đáp với nó: “Hàng cao cấp, đâu cho coi miễn phí mày!”.
Chợt thấy kỳ quặc vì chính những gì mình đang làm, tôi không cười nữa mà quay mặt khỏi chiếc gương. Hình như tôi thích soi gương chẳng vì thích ngắm nghía chính mình, tôi thích soi gương vì dường như nó giúp tôi dễ nhìn lại tôi, dễ lục lọi những mẩu trí nhớ vụn vặt về thằng Khoa mà tôi đôi khi quên bặt đi mất.
Chậm chạp tháo bỏ lớp băng đã nhàu nát và bẩn thỉu, tôi ném tất cả vào sọt rác và loay hoay mở hộc bàn lấy ra một túi băng gạc sạch sẽ tinh tươm. Những bước chân của tôi làm dây nước buồng tắm ra thành những vệt nhèm nhẹp khắp căn phòng. Khi đang mải tìm cách tự quấn lại mảnh băng cho chặt, tôi vô ý vấp lên vệt nước và trượt chổng vó về phía bếp, kéo theo một dàn xoong nồi đổ loong coong xuống nền.
Cái đau ư ử thấm vào mông, tôi loi nhoi ngồi dậy trong khi một tay vịn vào thành bếp. Nhưng rồi tôi lại tiếp tục trượt chân bởi vũng nước đọng chỗ cửa bồn tắm mà ngã nhào về trước, tay cuống cuồng túm vội lấy bếp, hất đổ cả cái ly thuỷ tinh mới coóng đang nằm chênh vênh ở đấy. Cái ly vỡ tan tành, mảnh chai văng tứ tung khắp phòng. Tôi chán nản ngồi chồm dậy, tay vịn chặt hai vách tường để đảm bảo không té thêm lần nữa. Nhưng rồi tôi chợt nghe thấy có tiếng người cười khanh khách; không, hình như tôi cảm thấy có tiếng người cười khanh khách trong đầu mình – tiếng của thằng Khoa. Tôi bần thần tưởng tượng ra cái cảnh nó cười như troét trấu vào mặt tôi những lúc tôi hậu đậu vấp ngã hay làm vỡ đồ sành sứ trong nhà. Rồi nó cũng loay hoay đỡ tôi dậy, hay với tay lượm nhặt chỗ bừa bộn tôi bày ra trong khi nụ cười khoái chí vẫn không tắt.
Tôi lại nhìn về chỗ bức ảnh nơi bàn học. Nó đâu có ở đây! Rồi sự hậu đậu của chính mình không còn là điều gì vui vẻ đáng cười nữa; ngược lại, nó khiến tôi cáu kỉnh đến phát điên lên. Tôi khom mình nhặt lại vài mảnh thuỷ tinh vỡ nát trên nền, trong khi đầu óc bấn loạn vì mất kiên nhẫn. Cơn đau âm ỉ chỗ vết thương trên tay càng làm cảm giác ấy trở nên khó chịu hơn.
“Duy!” – Có tiếng người gọi cửa. Tôi chỉ nghe loáng thoáng nhưng còn quá bực bội để trả lời. Được vài giây, tiếng gọi lặp lại và làm tôi đột ngột trở nên cáu gắt. Tôi quát ra chỗ cửa:
“Đợi lát!”
Kẻ gọi cửa im lặng một chặp, đủ để cơn giận vô cớ trong tôi dịu bớt phần nào. Nhưng sự phân tâm ấy khiến đôi tay hậu đậu của tôi sơ ý bóp chặt một mảnh thuỷ tinh sắc lẻm. Cái đau gắt cắt thành một vệt dài trên tay tôi, từ đó máu bắt đầu chảy ra. Khi tôi giật mình quăng mảnh vỡ đi thì lại mất thăng bằng và ngã ra sau, tay còn lại theo phản xạ lại bấu víu vào nền, làm cho những hạt vỡ sắc khác cứa vào mấy đầu ngón tay. Tôi đang còn loay hoay, chỉ muốn chửi rủa vì sự hậu đậu không ai bằng của mình thì tiếng gọi cửa lại tiếp tục vang lên:
“Duy!”
Lần này thì tôi đủ chú tâm để nghe ra cái giọng đặc khàn của thằng Tuấn. Tôi cáu gắt phóng tới chỗ cửa phòng, mở khoá và đẩy cửa ra ngoài một cách thô bạo. Tôi còn bận nghĩ ra những lời chửi rủa để ném vào mặt nó thì bất ngờ nhớ ra mình chỉ mặc một cái boxer ngắn tủn ngang mép đùi. Tôi kịp nhìn thấy gương mặt bất ngờ của thằng Tuấn trước khi vội vã túm lấy tay cầm kéo cánh cửa đóng rầm trở lại. Cánh cửa là loại mở ra ngoài, vì thế tôi đã phải chồm cả cái thân hình loã thể ra trước mặt nó chỉ để đóng cửa che lại thứ mà tôi đoán nó đã kịp trông thấy cả! Nhưng may thay rõ ràng nó chẳng hứng thú gì lắm tới việc ngắm nghía tôi, tôi nghĩ thế. Thằng Tuấn chỉ chú ý vào bàn tay đang chảy máu ròng ròng của tôi, tôi có thể nhìn thấy ánh mắt nó chuyển dần sang vẻ ngỡ ngàng, trong khi một tay dập cửa, còn miệng lại ơi ới gọi.
“Mở cửa Duy! Mày làm gì máu me không dạ!?”
Tôi chán nản chẳng buồn đáp. Cơn giận từ nãy đến giờ cũng đột ngột tắt ngúm. Tôi đi vòng qua chỗ lộn xộn mình vừa bày ra và bước vào buồng tắm. Tròng vội cái quần jean vào, tôi đi ra chỗ cửa và lại hồng hộc đẩy cánh cửa ra ngoài. Thằng Tuấn chạy xốc vào nhưng rồi lại ngần ngại nhìn tôi. Hình như thái độ của tôi khiến nó không còn hăng hái lo lắng như ban nãy. Nó rảo mắt nhìn khắp người tôi một lượt khiến tôi cũng ngần ngại tự mình nhìn theo, nó khựng lại một chặp khi nhìn xuống rồi vội vã đưa mắt về chỗ bàn tay đầy máu của tôi, miệng hỏi gấp:
“Mày làm gì dạ? Sao máu cắt tùm lum dạ? Mày tự tháo băng gồi à?”
Tôi cũng hiểu ý nó, ngần ngại kéo zip quần jean lên một cách ngượng ngùng, trong khi miệng đáp gắt gỏng, cố không nhìn thẳng vào mắt nó: “Tao làm bể ly, rồi đứt thì chảy máu. Can chi tới mày mà quát?”.
Rồi không đợi cho nó đáp, tôi quay ngoắt trở về chỗ bàn học, với tay còn lành lặn lên chiếc hộp ở trên cùng và lấy ra cái điện thoại cảm ứng màu đen mà nó bỏ quên tối hôm qua. Tôi tiếp tục gắt gỏng trong khi quay mình định trả lại cho nó: “Đồ của mày nè, lấy đi gồi …” … nhưng nó không còn đứng đó nữa. Tôi nhìn xuống thì thấy nó đang loay hoay nhặt vội một vài mảnh vỡ lớn, trong khi một tay gom lại mấy đoạn băng còn mới đang rơi vung vãi trên nền. Rồi nó đứng dậy và dúi chỗ băng nhặt được vào tay tôi mà nói: “Mày cầm đỡ đi, đợi tí tao băng lại cho!”.
Tôi bất chợt bật cười trước lời đề nghị của nó. Tôi cười vì thấy hình như nó nghĩ rằng tôi vẫn coi nó là thằng bạn tốt như hồi trước lúc nó trở chứng quay sang bêu nhọ tôi với thằng Khoa. Tôi cũng cười vì bàng hoàng nhận ra cái độ quen thuộc tới rợn người giữa nó với thằng Khoa, nếu như nó có ở đây. Hình như đã lâu rồi tôi không quen được chăm sóc, đúng bằng từng ấy thời gian mà tôi không được bên cạnh thằng Khoa. Tôi nhìn thằng Tuấn chăm chăm, chợt thấy mỉa mai thay cho cái nhận thức quái gở ấy. Rồi cơn giận từ đâu lại hun hút trào dậy trong tôi. Tôi túm lấy tay nó, gạt bỏ cả chỗ bông băng và mảnh vỡ xuống nền. Rồi tôi dúi chiếc điện thoại vào tay nó, vùng vằng mãi buộc nó phải cầm trong khi kéo nó đứng dậy. Trong lúc giằng co, mà tôi dường như là đứa duy nhất động tay động chân, thì chiếc điện thoại bật sáng. Tôi kịp nhìn thấy dòng chữ sáng trưng hiện lên trước khi đẩy nó ra tới cửa. 24 tin nhắn mới…
“Tao đách cần mày lo. Mày lấy cái điện thoại gồi biến đi. Tía cha mày đừng bao giờ quay lại nghe Tuấn!” – Tôi gào, vẫn cố dùng lực đẩy nó ra nhưng rồi bất ngờ nhận ra nó không hề cưỡng lại. Khi tôi vừa buông tay phải của mình ra khỏi tay nó thì nó đút ngay tay vào túi và bước lùi lại. Nó nhìn tôi một chặp, không nói gì rồi lặng lẽ quay đầu đi. Tôi bất ngờ nhận ra một vệt máu loang mờ mờ dính lên mép bàn tay mình, dễ đoán được rằng trong lúc giằng co chính tôi đã làm cho nó bị đứt tay. Tôi ngần ngại nhìn theo bóng nó xa dần trên con ngõ hẹp, định thần muốn gọi nó quay trở lại, nhưng rồi miệng chỉ kêu thều thào ra một câu gọi thầm trong cổ họng: “Khoan! Tuấn!”
Nó chắc chắn không thể nghe tôi gọi. Nhưng thật kỳ lạ là ngay lập tức, nó dừng bước và ngoái đầu lại nhìn. Khác với quyết tâm ban đầu, tôi bối rối quay ngoắt đi và bước trở vào trong.
Đối mặt với căn phòng bừa bộn và chỗ vết cắt trên tay, tôi tự dưng thấy có một cảm giác kỳ lạ. Thằng Tuấn vừa đem lại cho tôi một ấn tượng quái dị về sự hiện hữu của thằng Khoa, hay ít ra là sự quan tâm của nó vẫn dành cho tôi. Tôi băng lại bàn tay một cách vụng về bằng chính chỗ băng khi nãy thằng Tuấn đưa, rồi loay hoay nhặt lại cho gọn những mảnh ly vỡ.
Và tôi bắt gặp một vật dụng lạ khác – cái mũ lưỡi trai màu nâu rất dày nằm sõng trên nền. Tôi chợt nhớ lại cặp mắt bần thần của nó dành cho tôi trước khi buồn bã quay đầu đi. Tôi tự thuyết phục mình rằng tất cả những gì mình vừa làm với nó là đúng, nhưng vô ích. Một cảm giác hối lỗi kỳ quặc cứ khiến cho hình ảnh nó luẩn quẩn mãi trong đầu tôi. Một vài mảnh ghép không khớp khi tôi cố ráp nó vào bức chân dung thằng bạn khốn nạn của tôi cách đây hai năm. Và chính chỗ không khớp ấy làm tôi bứt rứt mãi.
Nó đã lại bỏ quên mũ ở chỗ tôi. Nhưng lần này tôi mong nó sẽ quay lại lấy.
Nó không quay trở lại – tôi nghĩ thầm khi nhìn vào chiếc mũ nâu treo gọn gàng trên móc. Rõ là nó đã chán ngán tôi rồi, cũng như tôi chán ngán chính mình. Tôi vác chiếc xe đạp ra ngoài và khoá cửa lại kỹ càng, rồi leo lên xe phóng vút đi.
Trời mưa râm râm mang theo cái lạnh nhè nhẹ rúc vào da tìm chỗ trú. Chỗ vết thương trên tay tôi gặp phải trời lạnh thì thun ngay lại, cái ư ử dìu dịu cũng tan đi. Tôi hướng về phía nhà hàng ở bên phố bà Trưng – nhánh đường xa xỉ mỉa mai chắn ngang cái phường nghèo nàn nằm tít ngoài ngoại ô thành phố. Vừa ra khỏi ngã tư, mắt tôi đã ngập trong những ánh đèn trang trí bắt mắt sáng lung linh như một màn phô trương quái gở. Những cửa tiệm mọc san sát nhau, xô lấn nhau vươn lên, xoè những bộ cánh sặc sỡ là những bảng hiệu nhiều màu, những bóng đèn mắc tinh vi và đôi khi, là mấy gã rởm đời vác mấy tấm quảng cáo đứng lượn lờ trên vỉa hè.
Tôi dừng xe trước một cửa hàng pizza lớn nằm chen chân vào mớ lộn xộn những cửa hàng khác. Nói về độ xa xỉ thì đây mới gọi là bậc nhất! Cả mặt tiền của cửa hàng là hai tấm cửa bằng kính lớn trong vắt, sạch tinh vì được lau chùi mỗi ngày. Nhìn vào trong, dễ thấy những chòm đèn treo trên trần toả thứ ánh sáng vàng lung linh khuếch tán qua những khối pha lê nhiều mặt treo toả ra xung quanh. Tôi dựng chiếc xe đạp vào ngách hỗng bé tí ở bên cạnh cửa hàng, rồi chỉnh lại đồ cho tươm tất và bước vào trong.
Chín giờ tối, trời đã tạnh mưa từ bao giờ…
Tôi phóng chiếc xe đạp cũ của mình băng qua những ngách phố nhỏ và rẻ vào một con hẻm; tôi nhận được yêu cầu một bánh Pizza ở số nhà 164 tại đây. Con hẻm khá vắng vẻ. Chỉ có vài ánh đèn neon mờ mờ hắt ra đường và trên con đường hẹp chỉ nghe tiếng bánh xe tôi cày răng rắc trên cát. Dưới ánh sáng mơ hồ từ ánh trăng rằm tròn trĩnh ở đỉnh đầu, tôi quan sát lần lượt những con số nhà chạy vụt về phía sau.
162… 163…164…
Tôi dừng xe và thoáng bất ngờ khi thấy trước mình là một ngôi biệt thư cao nằm khuất sau một cổng sắt đồ sộ. Toà nhà nằm tách biệt hoàn toàn khỏi những dãy nhà nhỏ nằm san sát ven đường. Và với hai thân cây khổng lồ trước ngõ, nó dường như khuất hẳn khỏi tầm nhìn. Tôi xách túi bánh và tiến về phía cổng nhà. Những tán lá xanh mọc khá thấp và tôi có thể ngửi thấy mùi vị ẩm ướt còn đọng lại từ cơn mưa lúc chiều. Một thoáng chần chừ trước khi tôi đưa tay nhấn vào nút chuông nhỏ tí nằm ăn sâu trong tường.
Không có tiếng trả lời. Tôi đứng đợi thật lâu, cái lạnh mơ hồ từ mặt đất và hai thân cây to lớn đã bắt đầu lan sang, khiến tôi run rẩy. Tôi bấm bụng nhấn chuông một lần nữa và lại chờ đợi. Nhưng lần này, mất không quá lâu trước khi tôi nhận ra có dáng một cô gái trẻ đang tiến về phía cổng. Nói đúng hơn, cô ấy đang bước vội về phía cổng; tôi có thể thấy vóc người nhỏ của cô ấy xốc lên sau mỗi bước dậm thình thịch.
Cô đang nổi giận, và có lẽ đó chẳng phải là lời tiên đoán mông lung khi cô mở cánh cổng sắt đồ sộ và kéo cả hai cánh vào trong. Trước sự hung hăng của cô gái, tôi bất giác lùi bước. Cô dừng lại một chốc khi trông thấy tôi, nhưng ánh mắt giận dữ của cô vẫn không dịu đi chút nào trong khi cô nhìn chằm chằm vào tôi.
Một cô gái tuyệt đẹp. Cô mang một vẻ đẹp sắc sảo và lớp trang điểm đậm màu càng làm tô rõ hơn nét quyến rũ của cô. Cô mặc một bộ đầm nhỏ với phần áo hơi chùng xuống, đằng sau lớp vải mỏng là một lớp áo lót trắng ôm trọn bộ ngực đầy đặn. Mái tóc cô khá dài, những lọn tóc dày cong quắp xổ khỏi cái áo trùm rất đẹp mà tôi không dám chắc liệu có phải là một phần của bộ trang phục mà cô đang mang. Đôi bông tai và chiếc lắc tay bằng vàng với những nét khắc tinh xảo giúp tôi đoán được cô là người khá giàu có.
Cuộc “gặp gỡ” kết thúc bất ngờ và dường như tức thì khi cô cất bước đi tiếp, miệng lẩm bẩm:
– Khốn thật!
Cô hướng về phía cuối con hẻm và không hề đi chậm lại, ngay cả khi dáng cô đã khuất dần dưới bóng tối từ những tán cây dày. Tôi vẫn đứng đó, ngỡ ngàng vì tất cả những điều vừa xảy ra, tôi không dám chắc mình có nên chờ đợi thêm nữa không vì tôi cũng không rõ liệu có còn ai khác trong nhà. Cái ý nghĩ cô ta là chủ duy nhất của ngôi nhà và là vị khách hàng của cái bánh gần hai trăm ngàn – giờ chuẩn bị phải hoàn trả, khiến tôi thấy khó chịu.
Nhưng trước khi tôi quay mình trở về, tiếng một người thanh niên từ bên trong gọi với ra. Nhưng thay vì hồng hộc bổ ra như cô gái vừa nãy, anh chỉ bước đi bình thản. Anh đi chậm lại khi sắp đến cổng, trong khi tay phải thò vào túi sau của chiếc quần jeans anh đang mang và móc ra một cái ví. Anh loay hoay lục trong ví trong khi hỏi tôi, vẫn không ngẩng mặt lên:
– Bao nhiêu thế nhóc?
– Dạ một trăm tám lăm ngàn. – Tôi đáp.
Anh rút trong ví ra một tờ tiền năm trăm ngàn, song nghĩ ngả thế nào lại nhét trở lại. Thay vào đó, anh rút ra lần lượt những đồng tiền mệnh giá thấp hơn. Và khi đã đủ, anh đưa xấp tiền về phía tôi.
Tôi hẳn sẽ nghĩ anh là một gã khách hàng khó chịu nếu chẳng phải vì một cảm giác bất thường cho tôi biết anh đang cố tình tránh mặt tôi vì một lý do nào đó. Và tuyệt nhiên cách trò chuyện của anh không giống như bất kỳ gã cáu kỉnh nào khác tôi từng gặp. Khi tôi trao chiếc bánh pizza quá khổ cho anh và anh phải nhận nó bằng cả hai tay, sự tiếp xúc bất ngờ dường như khiến anh, có lẽ theo thói quen, mỉm cười với tôi. Tôi chỉ có một cái nhìn gấp trước khi anh lại vội vàng cúi mặt hướng xuống chiếc pizza trên tay.
Anh có gương mặt vuông vắn với những đường nét cứng cáp, được làm nổi lên bởi bộ mày rậm và một mái tóc khá dày. Cặp môi nhỏ uốn gượng gạo thành một nụ cười nhạt, song vẫn đủ để hé lộ hàm răng trắng đều và một cái răng khểnh mọc vênh ra ngoài, tạo nên một nét phá rất lạ. Có lẽ tôi đã đáp lại nụ cười ấy nếu chẳng phải vì một thoáng bất ngờ chợt vây lấy khi cặp mắt anh lọt vào tầm nhìn của tôi. Đôi mắt sáng mơ hồ dưới ánh trăng yếu ớt, song vẫn đủ để tôi nhận ra chúng vẫn còn ướt, và hoen đỏ. Và trên hết, đôi mắt ấy trống rỗng như một cánh cửa vô hình mở ra một khoảng vô tận. Nhưng sau một hồi yên lặng, tôi cũng cố đáp trả anh bằng một nụ cười, và đáp:
– Cảm ơn anh.
Và có lẽ đó là tất cả những gì anh cần để kết thúc cuộc gặp gỡ với tôi. Anh đóng cổng và quay trở vào trong, những bước chân anh có vẻ ngập ngừng và đầy nặng nhọc.
Tôi quay trở về xe, vẫn còn mải suy nghĩ vì những điều mình vừa thấy. Nhưng rồi tôi mau chóng gặt phắt đi khi cầm lấy chỗ tiền bán bánh nhét trở vào túi. Tôi đạp xe hướng ra khỏi con hẻm. Trong khi đang mải mê ngắm những bụi cây um tùm ven đường, tôi bất ngờ trông thấy một vóc người quen thuộc trên chiếc xe mô-tô phân khối lớn đang đi chậm chạp theo hướng ngược lại.
Mất không lâu để tôi nhận ra đó là thằng Tuấn. Qua lớp kính đen của chiếc nón bảo hiểm nó đang đội, dường như nó không nhìn thấy tôi. Tôi gượng chân đạp chậm lại trong khi ngoái đầu nhìn theo nó, ánh đèn pha rọi sáng khoảng đường đá bên dưới và rẽ vào phía ngôi biệt thự nọ. Tôi bóp thắng dừng xe và quay hẳn người lại để nhìn. Thằng Tuấn đang chậm rãi bước xuống khỏi xe, tháo mũ bảo hiểm và loay hoay khoá lại cổng.
Đó là nhà của nó à? – Tôi tự hỏi trong khi rảo mắt ngó lại hết cái quy mô khổng lồ của toà biệt thự. Tôi biết nhà nó giàu, nhưng không giàu tới mức xây được ngôi nhà này. Còn người thanh niên khi nãy là ai? Anh trai nó chăng? – Tôi tự hỏi mình trong khi tiếp tục đạp xe đi, rồi lại mau chóng gạt bỏ suy đoán ấy. Nó làm gì có anh trai. Nó là con một của ông bác Tùng xèng nhà gần trường tôi, và là loại được cưng chiều hết mực.
Ánh đèn đường thấp thoáng hiện ra sau những rặng lá dày và chẳng mấy chốc xe tôi đã đặt bánh lên mặt đường phẳng lì ngoài phố. Tôi đạp xe nhanh hơn về chỗ nhà hàng bánh pizza.
Lại một ngày nữa sắp hết, và tôi thì vẫn chưa tìm thấy thằng Khoa.
Tạm thời bạn tác giả không viết nữa
Thuộc truyện: Thằng bạn thân Phần 2 – Chap 1
- Thằng bạn thân Phần 2 - Chap 2
- Thằng bạn thân - Phần 2 - Chap 3
Anonymous says
la thiet
AO Yoru says
tác giả ko viết nữa là sao? đừng drop nha! truyện đang hay mà!
Anonymous says
Truyện hay, nhưng nếu bạn biết kết hợp thay vì chia thành 2 mảng màu khác nhau mình nghĩ sẽ hay hơn!
TV says
Mong bạn viết tiếp ạ mình cảm động quá🥺
Phạm says
Truyện rất hay, cám ơn đã đăng truyện.
Addy says
Truyện này là có thiệt hả bạn :3 neu là thiệt chỉ mong Duy tìm đc Khoa và couple này đc hạnh phúc
Addy says
Truyen này co thiệt hả bạn
Addy says
Truyện này là thiệt hả bạn
Tuấn Anh says
viet tiep di truyen hay lm muon doc tiep
Moomoo says
Truyện hay thế mà lâu lắm rồi ko ra chương mới. Drop thật rồi T.T
luxubu says
Truyen hay ma, sao dung, lam mat hung ghe
Shine Nguyễn says
Đọc mà thấy đau mề muốn chết -_-
ken says
Viet tiep di truyen hay qua
Đông_Thiên says
T đã đọc nhju truyện về TGT3 r. T dám nój trog tất cả nhữg câu truyện màk t đọc thj truyện of pạn là 1 trog nhữg truyện văn mjh và ljêu traj nhất đó. Ở phần 1, cách hành văn of pạn rất lôj cuốn và ljên kết, hk đọc kỹ thj chẳg hju j đc đâu. Phần 2 thj càg hấp dẫn, tjếc là pạn đã dừg. T thấy tjếc lắm vj ng vjết ra câu truyện hay như vậy chắk hẳn là 1 ng có tư duy rất tốt, nhưg pạn dừg gjữa chừg, 1 ng có tư duy tốt như pạn màk tín njệm còn hk vữg thj t cũg hju đc tạj sao tjh ju ở TGT3 lạj jt khj có Happy Ending r. Bản thân mjh hk có lòg tjn vào thứ mjh đag làm thj còn aj tjn đc mjh. Tjếc. 7đ
ken says
lâu quá không thấy bạn viết truyện, còn viết không j bạn?Truyện hay lắm viết típ đi
FbBoyTran says
Truyện rất hay !! Lối kể truyện lôi cuốn và trôi chảy, ngôn ngữ chọn lọc và rất hàm xúc, khiến người đọc có thể hình dung được tình tiết của truyện. Tiến bộ hơn rất nhiều so với phần 1 của truyện, không còn sự mơ hồ và ma quái như ở phần 1 mà nó chân thực và sâu sắc hơn . TRUYỆN HAY LẮM, TÁC GIẢ MAU CHO RA CHAP MỚI ĐI :))~ Đang ghiền nè
Diệp Lưu Ly says
Ngày 1 tháng 11 năm 2020, tức đã 5 năm, tôi nghĩ câu truyện này có thật, tôi cũng đã từng mất liên lạc với người thân rất rất nhiều năm, nhưng may mắn gia đình tôi đã đoàn tụ, và bây giờ không biết bạn đã tìm đc bạn Khoa chưa, nếu chưa thì tôi chúc bạn sớm tìm được bạn ấy, còn đã tìm được rồi thì tôi mong rằng bạn đừng đánh mất và bỏ lỡ để rồi phải hối hận, tôi vẫn mong là bạn sẽ mãi giữ được tính cách của mình mà tôi đã biết được qua câu truyện, đừng đánh mất chính mình bạn nhé… https://www.facebook.com/phan.luuly
Lusexia'furry' says
Cảm giác có ng ngóng chờ hạnh phúc làm sao còn về mk em nghỉ dù có chết cx ko có ai thèm để ý tới??
quynhchi says
huhuhu 8 năm rồi ra cái kết đi mà tác giả ơi. em đọc từ 1 giờ sáng tới 10 giờ sáng mà không có kết vậy aaaaa điên quáaaaa
Thích truyện says
Ngày 1 tháng 7 năm 2024. Đã hơn 9 năm trôi qua, không biết Duy đã tìm được Khoa chưa. Nhưng thật sự truyện rất hay và lôi cuốn gây ấn tượng cực lớn với bạn đọc. Nhưng tiếc là vẫn chưa ra chap mới, thật sự tiếc cho 1 mối tình. Buồn quá 🥺🥺