
Email cũ bị mất. Các bạn có truyện muốn đăng vui lòng gửi truyện về truyengay2021@gmail.com. Nhớ ghi rõ Tên truyện, chương nào.
Đọc truyện gay Chuyện cây mận online : Chị sinh năm Giáp Dần. Chị cứ hay nói với tôi “con gái Giáp Dần cao số lắm”. Tôi cứ nhớ hoài việc chị làm mình làm mẩy với bác Sáu, ba của chị, về việc tự nhiên lại trồng nguyên cây mận trước cửa nhà. Chị mếu máo nói “sao cha trồng chi cây mận, nhà có trồng cây ra trái chua là con gái ế chồng đó”. Mỗi lần đến chơi, thấy chị cứ càm ràm với bác Sáu tôi lại thấy buồn cười lắm.
Truyện gay Chuyện cây mận
Tác giả: babyPing
Nói về cây mận bác Sáu trồng thì đúng là bi hài kịch. Cái khoảng đất trống đó bác Sáu đã trồng những ba lần cây mận và mãi đến cây thứ ba thì mới sống sót nổi và bắt đầu đơm hoa kết trái. Tôi không hiểu sao bác Sáu cứ phải trồng mận cũng như bất chấp sự “phản kháng quyết liệt” của con gái. Tôi chưa kịp thưởng thức mấy quả mận đấy xem nó chua hay ngọt, y như chị, cũng chưa nếm thử lần nào. Chị không kịp chờ mận chín. Ngày quả mận đầu tiên chín chắc chị đã qua Mỹ định cư được một tuần rồi, tôi đoán vậy. Đến khi chị về thăm gia đình lần thứ nhất thì cây mận thứ ba cũng đã chết và bác Sáu cũng đã biến phần đất trồng đó thành cái hồ nhỏ nuôi cá tai tượng.

Chị và tôi thân nhau ghê lắm, lúc nào cũng đi chung với nhau như hình với bóng. Mãi đến khi bác Sáu trồng cây mận thứ hai, tôi và chị mới bị chia cách về mặt không gian. Ba mẹ tôi dời nhà về mãi tận quận 12 trong khi nhà cũ ở Thủ Đức cách nhà chị có một căn. Xa lắm nên một hai tháng chị em mới gặp mặt một lần. Mà toàn là tôi mò lên đấy chơi với chị một hai ngày cuối tuần do chị không biết đi xe máy.
Ngày chị đi, tôi có ra tiễn. Chị không khóc. Tôi cũng không khóc và giữ nước mắt đó cho đến khi bên cạnh tôi không còn một ai liên quan đến chị nữa. Chỉ còn mình tôi ngồi gục trên chiếc xe đẩy hành lý, loáng thoáng thấy bóng người yêu của chị hớt hải chạy vào, rồi tuyệt vọng ngồi bệt xuống đất khóc rưng rức như một đứa trẻ. Lúc đó, tôi cảm thấy có gì đó uất ức, có gì đó khó hiểu.
Tôi không hiểu sao chị lại không ở lại Việt Nam để tiếp tục câu chuyện tình lãng mạn. Không lẽ chị sợ nó không đi đến đâu vì nhà có cây mận trước sân hay sao? Có lẽ lãng mạn mấy rồi cũng phải thực tế. Hai người yêu nhau đâu phải chỉ biết hẹn hò, nắm tay nhau đi dạo, đi xem phim, vân vân và vân vân, những cái gì lãng mạn nhất. Họ sẽ phải cưới nhau, sống cuộc sống bươn chải, lo cho con cái, và cả những người thân thuộc nữa. Mình là chị cả không lẽ để cha mẹ già cả phải vất vả nuôi đàn em đứa thất nghiệp đứa còn đi học hay sao?
Chị chỉ nói “chị phải đi thôi”. Không nói thêm gì. Và tôi cũng không hỏi thêm cũng như không góp ý gì cả. Mỗi người có một định số, tôi luôn tin vào điều đó. Người anh con cô cậu định cư bên Mỹ mai mối cho chị một anh kiến trúc sư Việt kiều 30 tuổi, ngoại hình dễ nhìn, tánh tình dễ chịu, con út, rồi sẽ thừa hưởng gia tài của cha mẹ, đúng là tầm ngắm của biết bao cô gái Việt Nam cả trong nước và hải ngoại. Ai cũng nói chị là “chuột sa hũ nếp”.
Đột nhiên tôi nghĩ đến câu chuyện “Tái ông thất mã”. Và tôi luôn thù ghét những cái suy nghĩ bất chợt mang tính giác quan thứ sáu của mình như thế.
Anh chị về thăm gia đình với một thằng nhóc kháu khỉnh. Cả nhà tràn trề hạnh phúc, mãn nguyện. Bác Sáu hân hoan mặc bộ đồ “made in USA” chị mang về, thăm viếng từng nhà hàng xóm, tận tình kể lại cuộc sống bên Mỹ của chị. Má chị cứ chốc chốc lại đi thắp nhang cảm tạ tổ tiên phù hộ. Lũ em chị tíu tít giành giật những món đồ lạ mắt mà trước giờ chúng chỉ biết đến trong giấc mơ, “cái này xài sao vậy chị Hai”, “cái này của em nha chị Hai”, “chị Hai ơi cái này…”
Tôi nhìn mặt chị. Đột nhiên tôi cảm nhận một điều gì đó và lại cảm thấy bực tức cho cái giác quan thứ sáu của mình. Do mày ganh tị với hạnh phúc của người khác phải không? Thật là đứa bạn không ra gì!
Tối hôm đó, hai chị em ngủ chung. Chị tất bật soạn cho tôi những món đồ mà chị mua bên Mỹ từ rất lâu, có những món đã lạc hậu, để dành cho tôi. Tôi thấy khoé mắt cay cay.
“Bên đó chị cô đơn lắm”.
“Chị chẳng có ai để tâm sự cả”.
“Chung quanh toàn đàn ông con trai cả”.
“Thằng con này là hạnh phúc cả một đời của chị”.
Tôi được biết nhiều về “cuộc sống thiên đường” của chị. Mẹ chồng khó tính, phong kiến. Gia đình chồng đã thất thế, làm ăn thua lỗ nhưng vẫn sĩ diện sống cuộc sống sang cả. Anh chồng chỉ biết nhất nhất nghe lời cha mẹ, không biết tính toán gì cho cuộc sống tương lai. Cái danh kiến trúc sư chỉ là một sinh viên học hành chưa tới được thổi phồng lên. Chị phải dọn nhà ra ở riêng, một mình bươn chải nơi xứ người, cực khổ gấp trăm lần lúc ở Việt Nam. Động lực của chị là đứa con rất thương mẹ, là vẻ hãnh diện của ba, là ánh mắt mãn nguyện của mẹ, là sự hân hoan của đàn em.
Ngày đưa tiễn chị về Mỹ. Chị kéo tôi ra một góc, ôm chặt tôi khóc như mưa, giọng nấc lên từng hồi:
“Những khó khăn khổ cực mà chị nói cho em… chẳng là cái gì cả… chị chịu được hết… chỉ một điều… chồng của chị… ảnh không phải là… đàn ông… chị khổ lắm em à.”
Tôi không còn sức mạnh để đóng vai cứng rắn nữa. Ánh mắt nhạt nhoà nhìn chị tay ẵm con, tay khoác giỏ xách, kéo lê chiếc va-ly to tướng, lủi thủi đi vào phòng cách ly. Sau lưng chị là vẻ hãnh diện của ba, là ánh mắt mãn nguyện của mẹ, là sự hân hoan của đàn em. Những điều đó lớn hơn cả việc phải chung sống với một người chồng đồng tính.
Hết
Leave a Reply