Truyện gay: Ngày tháng trôi thật nhanh – Chap 4: Chiếc lồng đèn năm xưa
Tác giả: Nhóc mê trai
Email cũ bị mất. Các bạn có truyện muốn đăng vui lòng gửi truyện về [email protected]. Nhớ ghi rõ Tên truyện, chương nào.
[ONESHOT4]:Chiếc lồng đèn năm xưa
Trung thu là ngày mấy, tháng mấy nhỉ? Tay cầm quyển lịch, tôi mới biết là sắp trung thu rồi. Công việc của tôi rất bận rộn, lại xen kẽ những ngày chạy xuôi chạy ngược để biếu bánh cho khách hàng. Tự dưng hôm nay về đến nhà tôi nhìn sang bên đường quen thuộc, lũ trẻ hàng xóm cùng nhau rước đèn đi dạo. Chiếc đèn lồng bằng điện sáng lấp lánh đã thay thế những chiếc đèn giấy mà khi nhỏ chúng tôi thường chơi, ngồi xuống trước cửa nhà, một cảm giác nghèn nghẹn ở cổ và cay ở khóe mắt. Tôi lại nhớ đến anh, chẳng kém đi chút nào dù là chừng ấy năm. Mọi thứ cứ như là của ngày hôm qua.
…
Ngày ấy, anh hơn tôi 2 tuổi. Tôi nghịch ngợm, phá phách bao nhiêu thì anh lại hiền lành, ít nói bấy nhiêu. Dù không cùng cấp lớp nhưng anh hay chở tôi đi học mỗi ngày, chuyện ấy diễn ra thường xuyên cứ như là việc hiển nhiên mà anh phải làm cho tôi vậy. Cũng từ đó chúng tôi thân nhau.
Ba mất nên anh sống cùng mẹ, là con trai duy nhất cho nên anh được mẹ dành trọn tình thương, lên cấp ba trong khi lũ bạn cùng tuổi hay chơi bời và tụ tập hội nhóm thì anh lại chăm chỉ lo học, chỉ với một mục đích duy nhất – anh muốn mẹ được vui.
Ngày ấy, khi còn nhỏ. Lũ trẻ con chúng tôi có thói quen là vòi ba mẹ mình làm cho những chiếc lồng đèn ông sao đủ màu sắc. Tôi được ba làm và trang trí chiếc đèn nhìn rất là hoành tráng. Tay cầm chiếc đèn, rồi nhìn sang bên kia đường. Anh ngồi hì hục tự tay uống cong từng thanh tre để làm. Mẹ anh ngồi kế bên lâu lâu lại vuốt tóc anh. Thấy tôi nhìn qua cười, anh xấu hổ, mặt đỏ lừ lên rồi cười
– Hết tre rồi, làm sao đây hả em…
Anh gãi đầu nhìn chiếc lồng đèn còn dang dở cùng với hàng mớ thanh tre bị gãy.
– Làm sao em biết? Anh thấy không được thì em nhờ ba em làm giùm cho
– Không, anh muốn tự tay làm, trước ba anh cũng hay làm cho mẹ ngắm
Anh nói rồi cười nhẹ, đôi mắt ánh lên vẻ hạnh phúc và tự hào khi có thể thay ba để tạo niềm vui cho mẹ mình. Tôi gật đầu nhẹ góp chung nụ cười với anh, rồi nói.
– Vậy … qua kia đi, anh thấy sao? – Tôi đưa mắt nhìn qua nhà gần đó.
– Cứ thế đi. – Anh gật đầu mắt ánh lên vẻ tinh nghịch.
Kế bên nhà anh là khoảng vườn của bác Tư son có trồng một bụi tre, ngày thường thì chúng tôi nào dám mơ tới việc xử một vài cây nhỏ nhưng đây là lúc cấp bách, bác lại vắng nhà, cho nên tôi và anh đành túng quyền.
Sau khi giải quyết xong cây tre, anh cắm cúi hoàn thành công việc, tôi ngồi kế bên vừa nhìn anh làm vừa hát nghêu ngao, mà lạ thật, chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại không biết đó là niềm hạnh phúc hiếm hoi mà tôi sẽ mãi không tìm lại được.
Anh giơ hai chiếc lồng đèn nhỏ màu đỏ và xanh lên cho tôi ngắm bên cạnh chiếc lớn dành cho mẹ anh.
– Anh làm chi nữa vậy?
– Thấy dư tre nên anh làm, tặng em một cái, còn một cái của anh. – Anh lúc lắc chiếc đèn nhỏ nhỏ xinh xinh.
– Em có rồi mà, ba làm đó. – Tôi vô tư chỉ sang chiếc đèn lớn treo trước nhà.
– Thì… anh tặng em, em không thích sao? Không thì anh dùng vậy.
Anh đứng dậy móc chiếc đèn lớn lên cửa nhà, tôi ngắm chiếc đèn nhỏ rồi nói.
– Em chọn màu đỏ, anh màu xanh nhé-Tôi tự nhiên lại thích chiếc đèn màu ấy, không tinh xảo, không cầu kì, không độc đáo nhưng nó rất đẹp
– Ừ, em thích cái nào thì lấy đi. – Anh đáp tay vẫn chỉnh sửa cho chiếc đèn lớn ngay ngắn.
Tôi đứng dậy chạy về nhà, đi lên phòng tới bên bàn học cạnh cửa sổ tui treo chiếc đèn lên rồi chồm ra gọi anh.
– Hey, anh Quang, được không? – Tôi nói to
– Được đó, đẹp đấy, mà em đừng chồm ra nguy hiểm lắm.
Tôi giả bộ tư thế bị hụt tay, anh bên dưới tròn mắt giật mình, thấy bị hố nên anh lắc đầu rồi cười trừ. Năm ấy trăng tròn lắm, trời đêm có 1 màu vàng soi xuống.
…
Những năm sau anh đậu vào đại học nên phải lên thành phố để học. Hôm anh khởi hành, tôi buồn lắm nhưng vẫn giữ vẻ bình thản không có gì, anh thì vẫn thế, đối xử như thể chuyện xa nhau là nhỏ nhoi đơn giản, tự dưng tp6i thấy giận, vì sao tôi buồn mà anh lại vui vẻ, nhưng nghĩ nhiều thì tôi lại thấy quá vô lý khi một đứa con trai lại phải khóc khi xa cách một đứa con trai!?
Anh nói ra cái viễn cảnh về tương lai khi anh học, sẽ đi làm rồi lập gia đình, sẽ lo cho mẹ, anh cười vui còn tôi thì buồn thăm thẳm, vì trong cái dự định đó anh không nhắc đến tôi. Sao lại phải có tôi nhỉ? Chúng tôi có là gì đâu. Có lẽ…Trung thu năm nay không còn như mọi năm, vì … tôi không có anh.
Anh đi được hơn một tháng, vài ngày nữa là đến trung thu, khi mọi người vui vẻ dự định đi chơi đêm rằm, thì tôi thu mình lại trong cái vỏ ốc lạnh lẽo khi không có anh bên cạnh. Nhìn lên chiếc đèn nhỏ màu xanh treo bên cửa sổ nỗi buồn trong tôi cứ nhói lên từng cơn. Cúi mặt xuống bàn hát thì thầm để tránh nhớ đến anh, nhưng mà càng cố quên thì lại nhớ rõ hơn bao giờ hết, nước mắt lưng tròng … Khẽ đưa tay dụi mắt và thừa nhận anh đã ở vị trí quá quan trọng trong tôi rồi.
– Này, Duy … em có trên đó không?
Tui ngẩng người rồi chồm ra cửa sổ, nhìn xuống, anh đang đứng bên dưới gọi, thấy anh tôi cảm giác có gì đó vỡ òa trong lòng. Không đáp lại,nhanh chân chạy xuống dưới, anh đứng chống nạnh cười tươi.
– Anh về khi nào vậy, em chẳng hay gì hết?
– Anh về để ăn trung thu với mẹ, với lại … anh xa nhà chưa quen …
Anh lấp lửng câu nói cuối rồi kéo tui ngồi xuống ghế đá để kể về việc học của anh trên đấy, anh quen được nhiều bạn và sinh hoạt cũng tạm ổn. Thế là tôi trở lại như trước huyên thuyên nói về những ngày anh đi, tám về những chuyện không đáng tám mà mặc nhiên giữ mãi tình cảm tui đối với anh trong lòng.
Tối hôm ấy tôi cứ thao thức không ngủ được mà cứ suy nghĩ mãi về chuyện của ngày hôm nay, năm nay tui lớp mười một thì hai năm nữa nếu đậu đại học thì tui có thể lên thành phố học với anh, trước kia anh cũng nói như thế, lúc ấy hai anh em có thể ở chung nhà. Không cần biết anh có cảm giác với tui thế nào nhưng chỉ cần được bên anh là tôi đã thấy vui lắm rồi. Dù không nhìn về tương lai sẽ như thế nào.
…
Năm tôi thi đại học thay vì được ba mẹ đưa đi thi thì chính anh về để đưa đi thay. Tính ba tôi từ trước đến giờ tôi hiểu rất rõ. Ông không muốn làm phiền người khác nên cứ nhất mực từ chối lại thêm anh chỉ là hàng xóm không phải họ hàng thân thích gì. Nhưng chẳng hiểu anh đã thuyết phục thế nào mà ba tôi đã đồng ý.
Ngày thi đầu tiên, vừa bước ra khỏi phòng thi anh đã vồn vã hỏi thăm khiến nhiều người xung quanh lầm tưởng chúng tôi là anh em ruột, tôi thì ngại cả lên muốn đổ quạu, nhưng thấy anh lo lắng thế nên khi ra về tôi cũng buộc miệng hỏi.
– Sao anh lo quá vậy? Em thi em không lo mà anh cứ cuống cả lên, nãy làm cho người ta nhìn ngại chết, ngày mai còn thi một buổi nữa có gì về nhà hãy hỏi-Tôi hơi cáu
– Em thấy ngại à, tại anh mong em có kết quả tốt chút để có thể đậu vào trường này, rồi còn lên đây học nữa.
– Nãy anh không nghe bác kia nói à, anh em ruột còn chưa lo được thế nữa. – Tui cằn nhằn.
– Vậy anh xin lỗi, mai anh đứng ở xa, có gì về nhà anh mới hỏi. – Vừa nói anh vừa cười buồn.
Sai lầm, quả thực là sai lầm. Khi đó, tôi còn trẻ, lại vô tâm, chưa suy nghĩ thấu đáo, lúc ấy làm gì tôi biết tình cảm mà anh dành cho là thế nào đâu. Cứ nghĩ rằng anh sẽ lo cho tui mãi mãi, và điều đó là hiển nhiên nên tui mặc sức làm nũng. Nhiều khi đến mức quá đáng …
Tôi đứng dựa lưng vào bức tường, vừa thầm bực bội, không làm bài tốt mà còn phải chờ, thế mà bảo đảm với ba là sẽ lo cho tui đi về đầy đủ đấy, càng suy nghĩ tui càng thấy giận.
– Duy, anh đây nè … làm bài được không em? Anh bị kẹt xe … nên trễ quá …
Tôi đi qua mặt hầm hầm chỉ định nói vài câu trách anh, nhưng cạnh bên anh là một cô gái trạc tuổi anh chạy chiếc mio đỏ, thấy thế có bao nhiêu tức giận tự dưng tuôn ra hết.
– Làm được hay không mặc kệ em, sao giờ này anh mới đón, nếu hôm trước nhắm lo không được thì để ba em lên lo, ai mà mượn.
– Anh xin lỗi, anh cũng nóng ruột lắm.
Tôi ngồi lên phía sau, mặc nhiên không nói lời nào, cô bạn của anh nhìn qua ái ngại, tôi chẳng thèm để mắt tới.
Về tới phòng trọ, tôi bỏ đi một mạch vào phòng không thèm chào hỏi gì hết, chợt nhớ ra một việc nên tôi mới quay lại phía trước thì nghe anh đang nói chuyện với cô bạn.
– Nó là ai vậy, sao em không nghe anh nói là anh có em trai?
– Ờ … đứa em hàng xóm ở dưới quê anh, do từ nhỏ giờ anh xem nó như em trai mình nên …
– Vậy sao nó còn to tiếng với anh, chỉ là hàng xóm thì việc gì anh phải lo cho nó?
– Thì … em không hiểu đâu, anh không có anh em nên anh thương nó lắm …
– Vậy thì cớ gì mà …
Tôi bước ra đứng nhìn hai người họ, mắt không rời khỏi cô bạn của anh, có vẻ vì chột dạ nên cô ta lúng túng rõ rệt bèn chuyển qua đề tài khác.
– Ờ … mà … em về đây, cũng trễ lắm rồi.
– Em chạy xe cẩn thận. – Anh gật đầu đáp lại.
Bước vào nhà, thấy tôi sắp xếp đồ đạc vào giỏ xách anh liền hỏi.
– Em làm gì vậy?
– Đi về. – Tôi đáp cộc lốc.
– Sao em nói muốn ở lại chơi vài ngày sau khi thi xong mà, chưa gì đã về là sao? Mai anh đưa em …
– Khỏi, đi với bạn bè của anh đi, em chỉ là đứa em dưới quê thôi, anh không cần bận tâm.
Nói xong tôi quay sang dồn hết đống đồ vào cặp, chẳng cần sắp xếp chi nữa, tôi tức lắm rồi. Nước mắt lưng tròng, tui đưa tay quẹt ngang mặc cho anh đứng phía sau nhìn.
– Duy à. Anh đâu có nói thế …
– Có hay không mặc kệ anh, em quyết định không học đại học ở đây đâu, tưởng rằng lên đây học …
Tôi quay sang uất ức mà khóc, thấy tui khóc anh ngạc nhiên không hiểu vì sao, rồi ngồi xuống xoa đầu tôi nói nhẹ nhàng.
– Tưởng thế nào hả em?
Đẩy anh ra tôi đi thẳng vào phòng khóa cửa lại, mặc cho anh gọi bên ngoài. Nằm trên giường tôi cứ nhớ lại từng lời nói lúc nãy, rồi bỗng dưng thấy buồn, buồn vì … anh và cô bạn xứng đôi quá. Thế thì sao chứ? Phải chăng tôi đã yêu anh rồi sao? Đến bây giờ tôi mới biết đó là yêu
Sáng hôm sau tui về mặc cho anh ngăn cản, ngồi trên xe mà lòng buồn rười rượi, hối hận vì sao tôi lại quá ương bướng, suốt đoạn đường trên xe, tôi phải cố nén khóc. Ở được bên anh thì sao, nếu trái tim của anh lại là người khác chiếm giữ thì chi bằng tôi cách xa từ giờ là hơn hết.
Ngày có kết quả thi, chính anh gọi về cho hay là tôi trúng tuyển, nhưng tôi chỉ nói vỏn vẹn không lên đó học mà học tại quê mình, anh hỏi rất nhiều nhưng tôi cúp máy.
Ba mẹ cũng không ý kiến gì về việc tôi học tại đâu vì cho rằng có cố gắng học thì ở đâu cũng thế, ngồi trên phòng tôi nhìn chiếc đèn trung thu lung lay trong gió mà nhói đau vì quyết định không rõ là đúng hay sai của mình.
…
Những dịp lễ tết anh hay về và sang nhà tôi nhưng tui chỉ né tránh lấy lý do là đi chơi với bạn hay gì đó v.v… tự dưng từ đó … tôi xa cách anh dần.
Ngày trung thu anh về làm lồng đèn cho mẹ như mọi khi, nhìn lên cửa sổ nhà đối diện, chiếc lồng đèn tung tăng trong gió được hạ xuống khi nào mà anh chẳng biết, ngồi ngẩn ngơ nhìn mớ tre dư trên tay anh lẩm bẩm … nó còn được làm cho ai nữa đây …
Tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc, anh ở lại thành phố đi làm và tiếp tục học lên cao, lâu lâu anh về thăm nhà, nhìn qua nhà đối diện … anh thấy đau nhói trong lòng, có lẽ anh đã làm gì sai rồi.
Nghe mẹ tôi nói lại, thằng Quang con nhà hàng xóm giỏi quá, lấy được bằng thạc sĩ giờ đang học tiếp để lấy học vị cao hơn, công việc lại ổn định, mẹ quay qua tôi nói gắng mà học tập, xưa cũng thấy con hay chơi với nó mà sao giờ lại cách biệt xa quá thể. Tôi ngậm ngùi, nhân viên văn phòng với mức lương thường đủ sống thì làm gì so sánh được với anh, chỉ là đứng cạnh thôi đã không xứng đáng rồi.
Anh nghĩ tôi né tránh, tôi cô né tránh, nhưng làm sao anh biết được bao nhiêu lần anh nhìn sang đây là bao nhiêu lần tôi đều biết được, bởi đơn giản tôi có bỏ anh ra khỏi trái tim được bao giờ đâu.
Như mọi hôm đi làm về thấy tấm thiệp hồng màu đỏ nằm trên bàn, nhìn dòng chữ in trên đấy mà tim tôi như chết lặng, hai trái tim màu đỏ có ghi tên lồng vào nhau cứ mờ ảo đang nhảy múa vui cười trêu chọc.
Nhà đối diện dựng rạp cưới, hàng xóm rỉ tai nhau. Thằng con bà Thanh giỏi quá, học cao lại đẹp trai có tài, lấy con vợ cũng đẹp xứng đôi vừa lứa y như kim đồng ngọc nữ.
Tôi ở nhà, mẹ mắng sao không qua bên kia phụ thằng Quang đám cưới, bạn bè từ nhỏ mà kì vậy, tôi cười mà đáp bâng quơ là lười, nếu qua đó có lẽ tôi sẽ chết vì đau đớn mất.
Rồi ngày vui của anh, vẫn là những chiếc đèn lồng đỏ, vẫn là nụ cười trên môi anh, nhưng chỉ hờ hững, đôi mắt anh vô hồn trong ngóng xa xăm, chỉ bên kia đường mà dài y như thăm thẳm. Chiều về hoàng hôn đỏ cuối chân trời, vẫn là những màu đỏ nhưng giờ đây nó không còn vui mà chỉ nặng trĩu như màu máu con tim đang chết dần.
Một năm rồi hai năm … anh hay về thăm mẹ, nhưng cô vợ thì không theo cùng, nghe xung quanh nói họ lục đục không hạnh phúc, anh hay đi lại về quê, vẫn là chăm ngóng sang căn phòng trên gác còn sáng đèn, nhưng chiếc lồng đèn vẫn không ở đó.
Mẹ anh mất, anh về quê lo tang cho mẹ, cô vợ anh chỉ ở cho hết ngày chôn cất thì đáp xe đi về sài gòn, anh ở lại không níu kéo cũng chẳng thiết tha, người thân duy nhất của anh đã mất rồi.
Chiều về căn nhà lạnh lẽo không có ánh đèn, tôi nhìn sang mà lòng cứ quặn thắt, mở nhẹ cánh cửa bước vào nhà, tôi đi chầm chậm tới bên cạnh anh, chiếc đèn ngủ mờ mờ, anh trong bộ dạng xốc xếch, râu dài tua tủa vẫn chưa cạo đi, vẫn bộ áo từ hôm chôn cất mẹ anh đến nay, mùi rượu nghe nồng nặc xông lên, bên cạnh bàn đầy những chai rỗng.
Có một lá thư bên cạnh, tôi không tò mò nhưng nhác thấy có tên mình nên không cầm lòng được đành cầm lên đọc, trong ánh đèn mờ mờ, nét chữ của mẹ anh loang lỗ trên những khoảng ướt của mảnh giấy đã thấm khá nhiều nước mắt.
“Con trai của mẹ, con có biết lá thư này mẹ muốn gởi riêng cho con đã lâu lắm rồi không hả con trai. Mẹ nhớ lúc con còn nhỏ hay nũng nịu vòi vĩnh với mẹ, vậy mà con có biết kể từ khi ba mất, con chưa hề như thế với mẹ lần nào không?
Con thay ba làm mọi việc trong nhà, từ sửa bóng đèn cho đến chiếc quạt trên trần dơ, từ chỗ xe chết máy cho đến ngày trung thu không thiếu vắng chiếc lồng đèn, con tỏ ra là chỗ dựa cho mẹ, mẹ vui vì việc đó, nếu con trai mình đã đảm đang và có trách nhiệm thế thì sao mẹ lại không cho nó thể hiện để sau này làm chỗ dựa cho vợ nó như ba con đã làm với mẹ.
Vậy mà … vậy mà con nói rằng con yêu thằng Duy, con biết con nói lời đó làm mẹ chết lặng đi thế nào không? Mẹ làm sao dám nhìn ba con nếu như nuôi dạy con nên thế, mẹ đã sai khi không thể gần gũi và phát hiện chuyện đó sớm hơn.
Nhưng điều mẹ sai lầm hơn cả việc đó là mẹ đã vì cái danh dự của bản thân, của riêng mình, mà đi ép con phải lấy vợ, con xin mẹ, nhưng mẹ đe dọa sẽ từ con, thế là con phải lấy vợ. Mẹ chứng kiến cuộc sống không hạnh phúc của con trai mình, tình thương mà gượng ép thì sẽ không bao giờ lâu dài được, mẹ hối hận lắm, ngoài mặt con vui vẻ không cho mẹ thấy lục đục trong gia đình, nhưng nhìn dáng con ngồi hút từng điếu thuốc ở buổi tối khi mẹ lên thăm chúng con, mẹ biết tất cả, tình yêu của con không nằm ở đây, trong gia đình này, nơi mà mẹ ép buộc.
Mẹ viết lá thư này, mẹ đắn đo, mẹ suy nghĩ, rồi mẹ lại cất đi, một phần mẹ muốn con được sống thoải mái, một phần mẹ sợ có lỗi với ba con, cuối cùng con người ích kỉ trong mẹ lại tiếp tục thắng.
Mẹ xin lỗi con trai, mẹ xin lỗi con nhiều lắm. Xin lỗi con.”
Những dòng chữ cuối đã nhòe đi vì nước mắt, lá thư đã nhăn nheo đi có lẽ do đọc quá nhiều, tôi áp đầu xuống ngực anh lắng nghe tiếng tim anh đập, nước mắt rơi ra, tôi cũng xin lỗi anh, vì tôi cũng có lỗi. Gía mà tôi hạ được lòng tự trọng của mình xuống, ở lại thành phố thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng nuối tiếc cũng không thể quay lại được.
Bàn tay anh xoa đầu tôi nhè nhẹ, giật mình ngẩng lên, anh mỉm cười, nhìn tôi xoáy sâu vào tận tâm can, khẽ ôm tôi vào lòng, anh nói nhỏ.
– Trung thu này em ở bên anh được không?
…
Sau đó, anh li dị, rồi anh đi. Anh phải ra nước ngoài để học cao hơn. Tôi không ngăn cản, cũng không muốn giữ anh lại. Dù chỉ cần tôi nói 1 câu thì anh sẽ ở bên tôi mãi mãi. Vì đó tương lai của anh. Còn tôi chỉ là 1 nhân viên văn phòng cỏn con mà thôi.
Tôi bước lên gác xép, tay cầm chiếc lồng đèn màu xanh đã cũ theo năm tháng. Gắn vào đó chiếc đèn cầy, rồi treo ở ngoài, cạnh cái cửa sổ. Gió thi thoảng thổi qua, chiếc đèn lắc lư theo gió. Nhìn sang khoảng sân nhà anh khi xưa, tôi lại thầm nghĩ… có khi nào anh vẫn ở bên cạnh em không Quang?
Chợt có tiếng gì đó ở dưới, một chiếc xe màu đen đậu ngay trước cửa nhà tôi. Tôi vội chạy xuống, mở cửa. Cánh cửa chiếc xe ấy bật mở, người trong xe bước ra. Tôi lặng thinh nhìn anh rồi đưa tay chạm vào mặt tôi. Tôi khóc như điên.
Trăng trên trời vẫn sáng, chiếc lồng đèn vẫn rực rỡ, đu đưa theo gió. Và…Trung thu năm nay rất khác, có 2 người đang hôn nhau.
—————
Thuộc truyện: Ngày tháng trôi thật nhanh
- Ngày tháng trôi thật nhanh - Chap 2: Quyển nhật kí bỏ quên
- Ngày tháng trôi thật nhanh - Chap 3: Lời thề dưới trăng
- Ngày tháng trôi thật nhanh - Chap 4: Chiếc lồng đèn năm xưa
- Ngày tháng trôi thật nhanh - Chap 5: Tại sao lại tiếp tục yêu?
- Ngày tháng trôi thật nhanh - Chap 6: Hạnh phúc
Leave a Reply