Truyện gay hay Ngày không bình yên
Tác giả: kanzanhloi140294
Email cũ bị mất. Các bạn có truyện muốn đăng vui lòng gửi truyện về [email protected]. Nhớ ghi rõ Tên truyện, chương nào.
– Sinh viên hả nhóc?
– Dạ. Nhân văn. – Cậu cười tươi, vừa cười vừa gãi đầu.
Tôi vô nhìn thấy cái vòng màu cầu vồng kỳ lạ đeotrên tay cậu. Cậu nhận ra tôi đang nhìn, liền vội giấu nó ra sau lưng. Mà tôi có biết nó là cái gì đâu, dù màu gì thì nó cũng chỉ là cái vòng. Cũng như nhóc, dù nhóc có là ai thì cũng liên quan gì tới tôi đâu. Buồn. Tôi quay vào phòng và bắt tay chuẩn bị cho một cuộc mưu sinh về đêm.
Tôi làm quen với việc nghe tiếng nhóc đàn ghi-ta vào những buổi trưa yên ả. Quen với việc ngắm nhóc mỗi khi chiều về, chiếc áo trắng tinh tới lui lăng xăng phơi đồ mới giặt. Có đôi lúc muốn chạy ra phụ, sẵn dịp trò chuyện với nhóc, nhưng thôi. Lỡ nhóc nói mình lợi dụng, già rồi còn dê hay chê mình Pê-đê rồi sao? Tôi sợ lắm.
Mấy bữa về khuya, tôi vô tình bắt gặp một cậu con trai khác đi ra từ phòng nhóc. Trời tối quá, tôi không nhìn rõ mặt. Chỉ biết tên đó vóc dáng cao lớn, ăn mặc bảnh bao. Tôi cũng không buồn quan tâm. Có thể là bạn nhóc. Có thể là người yêu. Cũng có thể là khách qua đường. Đời giờ cái gì mà chả có. Chỉ cần cái duyên thôi. Một chữ duyên cũng đủ khiến con người ta phải sống những chuỗi ngày không bình lặng.
Nhóc dạo này xanh xao, trông cứ thất thần sao sao. Một đêm đẩy xe về tôi thấy nhóc ngồi trước cửa bưng mặt khóc. Trời ơi! Chuyện gì thế này? Tôi có nên đi lại hỏi hang nhóc? Hay là đẩy xe vào và mặc xác nhóc? Tôi có là gì của nhóc đâu. Tôi chỉ là một ông già gần năm chục. Nhóc có cần một ông già như tôi an ủi không?
Tôi không biết mình đã đứng đó lặng nhìn nhóc khóc trong bao lâu. Tôi đang vật lôn với chính mình, giữa sự nghi kỵ và tình người. Tôi ngồi xuống cạnh nhóc, như quán tính, như một điều cần phải làm. Nhóc ngẫng mặt lên nhìn tôi, nó thì thầm:
– Là anh à? Con chó vàng của anh đâu sao mấy bữa rày không thấy?
Tôi biết nhóc đang cố tình giấu đi những giọt nước mắt để hỏi vu vơ chuyện của tôi.
– Nó chết rồi, mới hồi tuần trước. Nó đã già quá rồi. – Tôi đáp.
– Anh không buồn sao?
– Buồn chớ. Nhưng buồn mà làm được gì. Nó đến với mình cũng là do duyên số. Và ra đi cũng hẳn là một cái duyên. Tại sao anh phải níu kéo? Anh còn nhớ mười mấy năm trước, khi đẩy xe hủ tíu qua một con phố nhỏ, một ông cụ lớn tuổi ngồi vẽ tranh bên lề đường đã ngoắc lại mua một tô. Ổng ăn rất ngon lành nhưng rồi lại không có tiền trả. Anh thấy ông ta cũng tội nghiệp lắm, quần áo xác xơ, lại thêm hai chân bị cụt cả, nên anh không lấy tiền tô hủ tíu ấy. Nhưng ổng không chịu. Ổng móc ra từ trong túi một con cún con vàng vàng dễ thương để tặng anh. Anh không từ chối cũng không được. Thế là con Phèn sống với anh tới hồi nó chết.
Nhóc nhìn tôi bằng thứ ánh mắt như đang diễn tả một điều khó nói. Nó cất tiếng hỏi mà tôi giật mình, tưởng đâu con cún con ngày nào đang được mụ bà tập sủa trong mơ:
– Quê anh không phải ở đây hả?
Câu hỏi làm tôi mụ đi. Những cảnh tượng hỗn độn của cái gọi là quê hương, một lần nữa, trỗi dậy ngập tràn trong tâm trí…
Tôi đã xé bao cuốn lịch cạnh chỗ bàn thờ ông ngoại. Mỗi độ khai trường, mợ tôi lại lầm bầm “Con mẹ mày chừng nào gửi tiền về?”. Mỗi bận cậu nhậu xỉn lại gầm lên rum trời “Con Thủy, con Thủy…nó để lại cục nợ này cho tao…nhà này đâu có dư dả cơm gạo đâu mà nuôi nó hoài…”.Tôi ráng nuốt cục hờn vào cổ họng.Tôi nính thinh, nghĩ thầm trong bụng, đã là cái duyên anh chị em với nhau, hà tất phải nhỏ mọn, tính toan đến vậy.
Đến thằng Mạnh con cậu Hai cũng thường xuyên đem tôi ra xỉ vả “Con mẹ mày ngày xưa theo trai nên mới sinh ra mày! Đồ con hoang! Giờ chắc mẹ mày đang làm đĩ trên Sài Gòn rồi chớ đâu!”. Tôi toan cãi lại. Nhưng thôi. Tôi biết rõ mẹ mình hơn bất kỳ ai khác. Tôi còn nhớ rất rõ, sau bữa cơm với bông điên điển đó, mẹ đã ôm tôi vào mùng, kể cho tôi nghe về cha. Mẹ kể, cha tôi là lính du kích, cha cùng ông ngoại được lệnh tập kết ra chiến trường miền trung để chiến đấu. Họ đã hy sinh một cách anh dũng, dù rằng không một ai trong họ được thấy xác.
Bà ngoại tôi ngồi ngoái trầu, mắt hướng xa xăm ra cuối cù lao. Chắc nơi đó có cây me, cây ổi gì đó mà ông và bà đã khắc tên thề ước. Nhưng giờ đã không còn. Cù lao đã thành một hòn đảo nghỉ dưỡng hạng sang. Một cây cầu hiện đại được mắc ngang với những cây cột đèn to khủng bố. Mấy tiệm tạp hóa, quán nhậu dựng lên san sát chờ khách vãn lai lui tới, mấy cô “quỷ xứ à” cũng ngày một nhiều lên. Khách thập phương nghe danh xứ này cảnh đẹp, người đẹp nên họ ùng ùng kéo đến thưởng ngoạn, nghỉ chân. Khách đến rồi đi. Chỉ còn cái cù lao nằm lại.
Người xứ cù lao phần lớn ra đi hết, họ như mẹ tôi, lên Sài Gòn tìm cơ hội đổi đời. Như chị Hạnh con bà Tư đưa đò bây giờ sung sướng ra mặt, lên thành phố chẳng được bao lâu, tóm được ông đại gia Đài Loan, Hàn Quốc nào đó làm chồng. Bao nhiêu cô gái ở đây cũng muốn ra đi tìm tấm chồng ngoại để đổi đời. Cái quê này lạ vậy đó, người xa muốn tới, người ở lại thì muốn ra đi.
Ngoại quay mặt đi ngậm ngùi. Nước mắt sống cứ tuôn tuôn chảy chảy. Bà hay kể tôi nghe về ông. Ông không những là một anh hùng nơi chiến trận, mà còn là một họa sĩ tài năng. Ngày xưa bà ưng ông cũng vì cái chất lãng tử đó. Ông đã vẽ tặng bà một nhành bông bưởi trắng, nó tượng trưng cho tình yêu thuần khiết của ông dành cho bà. Đến giờ bức tranh bằng chì ấy bà vẫn còn cất giữ cẩn thận trong cái tủ kiếng đầu giường. Tôi hỏi, “Ngoại có còn tin một ngày đó ông sẽ quay về?”. Bà gật đầu. Đôi mắt ngoại lại xa xăm.
Đám tang của ngoại diễn ra buồn thảm thương. Tôi đã khóc hết nước mắt. Sao những người tôi yêu thương đều lần lượt bỏ tôi mà đi vậy? Ông trời có quá bất công, quá nhẫn tâm? Sao ông lại đem đến cho con những người để yêu thương, rồi lại cướp họ đi? Có phải mất mát là một phần không thể thiếu của cuộc sống, vậy thì xin ông đừng có đem đến cho con người ta những mối duyên, những yêu thương, những khổ đau nữa mà làm gì!
Tôi vật vã với nỗi trống vắng đến gợn người. Ngoại không còn, mẹ tôi đi biền biệt. Tôi bị lạc giữa dòng đời.
Có những đổi thay trong một thằng con trai mười sáu mà tôi không biết hỏi ai. Có những trằn trọc canh thâu về những thằng bạn cùng lớp làm tôi ghê sợ. Đó là cảm giác gì chớ? Nhớ nhung hay thầm yêu những người giống mình chăng? Tôi nhận ra mình khác biết với mọi đứa con trai khác. Tôi không chắc chắn lắm. Không rõ đó là khác biệt hay dị biệt. Tôi mơ hồ nhìn thấy mình trong gương với khuôn mặt đầy kem phấn và đôi mắt u buồn. Tôi hoảng loạn. Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự thấy mình ghê sợ chính mình. Tôi kinh hoàng tưởng tượng ra cảnh thằng Mạnh cùng mấy đứa bạn nó xỉa vào mặt tôi và cười nhạo “Đồ Pê-đê, đồ Bóng, đồ bệnh hoạn!”. Tôi còn nhìn thấy cậu mợ tôi xối xỉa lên đầu tôi “Con mẹ mày ở đời không có đức nên mới sinh ra cái thứ bệnh hoạn như mày!”. Tôi thấy chính mình chạy vào ngõ cụt. Thấy cuộc đời mình như khép lại.
Tôi e rằng mình phải bén duyên với mấy đoàn hội chợ. Sẽ bị người ta bóp hết đích tới vú. Sẽ phải lên sân khấu hát mấy bài hát chẳng liên quan gì nhau. Tôi sẽ mãi mãi là những thằng con nít ngồi sau lái rải bông rải hoa xuống sông chăng?Phải chi có mẹ ở nơi này, mẹ sẽ chỉ cho mình phải làm như thế nào. Mình đâu phải đứa mộ côi! Mình vẫn còn mẹ! Mẹ mình ở một nơi nào đó gọi là thành phố thôi. Mình phải đi kiếm mẹ! Mình phải đi tìm mẹ!…
Ngay trong đêm đó, tôi lén gom hết đồ đạc của mình và trộm mớ tiền lẻ của mợ đi. Tôi như một thằng điên chạy ra khỏi nhà, cái cù lao mà tôi đặt tên Duyên ấy giờ lọt tỏm lại sau lưng. Bầu trời đêm nhá nhem mù tịt. Nhưng trong tận cùng giông bão ấy, một vì sao vẫn sáng chiếu soi đường.
– …Rồi sau vài tháng tìm đường, anh cuối cùng cũng lên đến Sài Gòn. Anh đi làm chạy bàn trong một quán hủ tíu. Được đâu gần chục năm, anh dành dụm được một ít tiền và kinh nghiệm, rồi ra ngoài sắm một xe hủ tíu gõ tự mình mưu sinh tới giờ.
Nói đến đó, nhóc bỗng nắm lấy tay tôi. Hết hồn, tôi định rút tay ra nhưng nhóc nắm chặt quá. Tôi e ngại lắm vì đôi tay mình thô kệch, nhăn nheo. Nhưng tôi cũng thèm khát làm sao được ai đó nắm chặt thế này trong suốt cả quãng đời đã qua. Đôi mắt nhóc ráo hoảnh, nhìn đầy ẩn ý. Tôi không đọc được gì.
– Thế anh không tìm mẹ nữa à?
– À…có. Có chứ. Anh đã đi tìm nhiều nơi. Tìm rất lâu. Nhưng không gặp. Anh nghĩ chắc cái duyên của anh với mẹ đã tận rồi.
Nhóc càng nắm tay tôi chặt hơn nữa. Nó nhìn tôi châm châm:
– Không! Anh đừng bỏ cuộc! Ai cũng nghĩ duyên số là do trời định, nhưng không, chúng ta phải biết tự mình tìm lấy duyên số đó!…
Nhóc bảo tôi hãy kiên cường lên, hãy tiếp tục tìm kiếm, cuộc sống này không chờ đợi ai cả.
Nhóc kể tôi nghe về bản thân nhóc. Nhà nhóc là một gia đình khá giả, trí thức. Họ thương yêu nhóc như trứng mỏng. Nhưng rồi khi bước sang ngưỡng cửa Đại Học, nhóc đã nói cho cha mẹ nghe về việc mình có tình cảm với người cùng giới. Họ đã đùngđùng đưa cậu đi khám hết bác sĩ sinh lý rồi đến bác sĩ tâm lý. Không được gì cả. Cậu vẫn là cậu. Là một người yêu người cùng giới. Cậu quyết định rời khỏi nhà và tự lập. Cha mẹ năn nỉ hết lời cũng không về, thương con nên hàng tháng họ vẫn chu cấp tiền nhà trọ, tiền ăn xài cho cậu. Nhưng cậu từ chối. Cậu trốn sang nhiều nhà trọ khác nhau rồi tự làm kiếm tiền đi học. Từ khi được tự do, cậu tham gia nhiều hoạt động ủng hộ cho cái mà cậu gọi là “cộng đồng LGBT”. Cũng từ đó cậu quen một cậu bạn rất đẹp trai và nam tính. Anh chàng nhiều lần đến nhà trọ và quan hệ với cậu. Nhưng rồi hôm sau thì quất ngựa truy phong.
– Tình một đêm à? – Tôi hỏi nhỏ.
– Anh ấy đã hứa hẹn nhiều lắm. Về một ngôi nhà đầy ắp tiếng cười trẻ thơ…nhưng giờ…- Giọng nhóc ngẹn đi, nước mắt rưng rưng. – Anh ấy nói “Tình yêu đồng giới sẽ không có kết cuộc đẹp đâu, đừng có mơ tưởng nữa!”…Em buồn lắm…
Bất chợt tôi muốn ôm nhóc vào lòng. Thật chặt. Như cách mà mẹ hay dỗ dành tôi hồi bé. Nhưng tôi sợ rằng nhóc sẽ nghe được những nhịp đập yếu ớt, già nua của con tim tôi. Thay vì ôm nhóc, tôi để nhóc tựa lên vai mình. Tay tôi vuốt nhẹ lên mái tóc đen nhánh của nhóc. Tôi khẽ hỏi:
– Nhưng em có còn tin về một cái kết đẹp?
Nhóc khẽ gật đầu.
Bây giờ. Ít nhất thì bây giờ tôi cũng đã tin điều ấy.Tôi vẫn luôn nghi ngờ sự tồn tại của duyên số, phải chăng chúng đã mang chúng ta đến gần nhau hơn, để rồi chia cách chúng ta? Hẳn đã có rất nhiều người từng lướt qua cuộc đời ta, nhưng một cái duyên vô hình nào đó đã giữ họ lại, gần ta hơn. Có lẽ, dù duyên số đưa chúng ta đến bên nhau hay chúng ta tự đi tìm lấy duyên số cho chính mình, thì hãy luôn tin tưởngvề một bình minh tươi sáng.
Nhóc hứa sáng mai sẽ tặng tôi một cái vòng sáu màu hệt như nhóc (thế mà cứ tưởng bảy sắc cầu vồng). Nhóc giải thích tôi nghe thế nào là “LGBT”, thế nào là sự khác biệt giữa “người đồng tính”, “người song tính” và “người chuyển giới”.Nhóc kêu tôi cũng tham gia vào trung tâm ICS gì đó, để cùng đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho chính mình và nhiều người khác. Nhóc nói, nhóc tin chắc rằng Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên ở Châu Á công nhận hôn nhân đồng giới. Ừ, tôi cũng nghĩ nên như vậy, để chữ “duyên” còn bước sang chữ “nợ”. Để anh còn có cơ hội cầu hôn em, nhóc à!
Tôi sẽ kiếm dịp mời nhóc về cái cù lao quê tôi. Chắc nó thay đổi nhiều lắm rồi. Nhưng dù sao, tôi cũng từng có duyên “chôn nhau cắt rốn” ở nơi đó. Hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy yêu quê mình vô cùng.
Ngày mai khi thức giấc, tôi và nhóc lại quay về với bánh xe cuộc sống, bộn bề với những lo toan.Cuộc sống này có bao giờ bình yên đâu, dù cho ta có yêu thương hay không yêu thương ai cả. Chỉ khác ở chỗ, khi yêu thương ai đó, ta sẽ thấy cuộc đời này bớt chông chênh nhiều lắm. Hãy yêu thương khi còn có thể.
HẾT
- ngày không bình yên truyện gay
- truyện gay hay ngày không bình yên
- truyện gay ý nghĩa ngày không bình yên
- truyện tình gay ngày không bình yên
- gay truyen ngày không bình yên
Leave a Reply