Truyện gay hay Con đợi mẹ về
Email cũ bị mất. Các bạn có truyện muốn đăng vui lòng gửi truyện về [email protected]. Nhớ ghi rõ Tên truyện, chương nào.
Những ngày tiếp sau đối với gia đình Long thật ảm đạm. Mẹ giấu mình trong phòng cả ngày, thỉnh thoảng mới ra ngoài nấu ăn hay uống thuốc ngủ. Mẹ tránh mặt Long và nó cũng vậy. Nhưng chỉ cần nhìn thoáng qua đôi mắt sưng và khuôn mặt phờ phạc, Long đủ biết nó đã tàn phá sức khoẻ lẫn tinh thần mẹ thế nào. Ba Long cũng đi về khuya hơn, có khi say xỉn đến độ chân nam đá chân chiêu. Những lúc tỉnh táo, ông cũng lẳng lặng không nói với Long. Nhà cửa thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ trở nên bừa bộn và lạnh lẽo. Phòng khách vắng những lọ hoa hồng mẹ vẫn nâng niu, tỉa tót. Giăng khắp đồ đạc, không gian trong nhà là cái muộn phiền, u uất của con người. Bé em Long cũng vì thế mà rầu rĩ. Thiếu cái líu lo, nhí nhố của tuổi nhỏ, con bé trông già hẳn. Nhiều lần Long ngồi bần thần, nhìn không gian hiu hắt trong nhà mà đau đáu tự trách. Mái ấm xưa đã lạc về đâu dưới bàn tay nó?
Mẹ ngày càng mệt mỏi và suy nhược. Nhiều lúc mẹ khóc nhiều mà không ăn uống đến độ kiệt sức, lả người đi. Long cũng tuyệt vọng sống trong sợ hãi. Sợ phải nghe tiếng khóc. Sợ phải thấy mẹ mất hết sức sống. Từng ngày dài trôi qua, tinh thần mẹ vẫn không hề khá lên. Cảm giác xót xa và bất lực làm nỗi ân hận trong Long lại trào lên đến quay quắt.
Một ngày, sau hai tuần, ba dọn dẹp đồ đạc rồi đưa mẹ ra ta-xi. Trước khi đi, ông chỉ nói gỏn gọn với Long “Ba đưa mẹ vào bệnh viện, có thể mẹ phải ở luôn trong đó. Trông nhà coi chừng em.” Tối hôm đó, bé em oà lên khóc vì không thấy bóng mẹ. Long ôm lấy em, thầm thì “Ngoan đi Mi, mẹ sẽ sớm trở về với anh em mình mà. Mẹ chỉ hơi mệt thôi. Mi đừng lo”. Đâu đó trong câu dỗ dành, những giọt khóc thầm khe khẽ âm vang.
Khi nào mẹ sẽ trở về, hả mẹ? Long nhìn xa xăm. Bên ngoài bóng đêm đang đắc chí ôm trùm cảnh vật. Trời tối quá! Tối như cái bi kịch gia đình nghiệt ngã đang giăng xuống ngôi nhà vốn hạnh phúc của Long. Chưa bao giờ Long quên, nó chính là thủ phạm.
Chưa bao giờ Long quên bởi nó đã sống trong ám ảnh sâu sắc đến nhiều ngày, nhiều tháng sau. Bao đêm, nó bừng tỉnh khỏi giấc mơ mà mồ hôi đầm đìa, ướt đẫm cả áo. Cơn ác mộng lần nào cũng giống nhau. Cả nhà đang vui vẻ xem ti-vi, ba mẹ cười nói trìu mến, xoa đầu bé Mi. Long không ở đó, nó chứng kiến cảnh sinh hoạt đầm ấm của gia đình qua khung cửa sổ. Sao mình không mở cửa ra mà chạy vào? Long tự nhủ rồi phát hiện ra hai tay, hai chân mình đã bị trói lại. Càng cố gắng tháo gỡ, những sợi dây lại càng thít chặt hơn. Thế rồi, mặt đất dưới chân nó nứt toác ra. Long rơi mà không kịp nhìn gia đình lần cuối. Long rơi mãi, rơi mãi vào hố đen tưởng như vô tận. Rồi nó nghe văng vẳng câu nói cuối cùng của mẹ “Con sai rồi! mẹ sai rồi!” Sau đó, câu nói ấy cứ lặp đi lặp lại, vọng đến từ bốn phía của không gian tối om. Không còn là giọng mẹ nữa. Đó là những giọng nói lạ lẫm, méo mó mà Long chưa từng nghe thấy. Mỗi lúc một dồn dập hơn, mạnh bạo hơn, tàn độc hơn. Giấc mơ nào kết thúc cũng để lại trong Long ấn tượng rằng thứ cuối cùng nó thét lên là hai tiếng “Mẹ ơi!”
Ai đó nói rằng người say thì không biết buồn. Trong những ngày mẹ đi vắng, Long thử quên buồn và trốn đời bằng thứ ma men tai tiếng ấy. Lần đầu tiên, nó lao vào những cuộc nhậu nhẹt ồn ào, những buổi đi đêm bất cần. Mình đã không gia đình rồi. Còn gì để phải lưu luyến cuộc sống ngoan hiền trước kia? Cứ ngỡ những cuộc vui quên ngày tháng sẽ cứu vớt nỗi buồn dai dẳng, thế nhưng Long chỉ thêm trống rỗng mỗi sáng thức dậy với chất cồn còn váng vất. Nằm một mình trên giường, thiếu vắng mẹ nhắc nhở, thực tại lại quay về, tàn nhẫn khoét sâu vào vết thương vẫn mãi chưa lành.
Một ngày, tỉnh dậy mà đầu óc còn quay cuồng, Long hé mắt nhìn ra cửa sổ. Nắng bên ngoài rực rỡ như muôn thuở. Ánh nắng lượn vào phòng, tha thiết mời gọi một chuyến tản bộ nhàn nhã. Nhưng Long cảm thấy sức lực của mình đã kiệt quệ, chỉ còn muốn nằm mà mở mắt nhìn trời. Không phải suy nghĩ. Không phải đối mặt với thực tại. Chỉ để thời gian trôi đi, nhẹ hẫng… Bỗng nó nhận ra bên cửa sổ chênh vênh một chiếc mạng nhện khá lớn, từng sợi tơ óng ánh trong nắng vàng. Giữa mạng nhện, một con ruồi mắc bẫy đang vùng vẫy tìm đường thoát. Dường như nó đang cố hết sức bình sinh để giải cứu cho chính mình. Những lúc đơn độc cận kề cái chết, có lẽ bản năng được sống của con ruồi lại mạnh hơn bao giờ hết. Nó điên cuồng dùng cánh đập để có thế thoát thân. Trớ trêu thay, cái chất kết dính chết người của tơ nhện vẫn chiếm ưu thế. Con ruồi từ đập cánh mạnh chuyển sang yếu dần. Nó bỏ cuộc chăng? Hay nó chỉ nghỉ để dồn sức? Nhưng dường như đó là sự đầu hàng số phận. Tiếng đập cánh trở nên im bặt, căn phòng chỉ còn nhè nhẹ tiếng thở từ Long. Thế rồi, không hiểu vì sao, nó bật dậy, phá cái mạng nhện bằng một cái vung tay rất mạnh. Con ruồi liệng một vòng rồi bay khỏi tầm mắt Long. Khỏi cái chết đã thật gần!
Ngồi xuống giường vì cơn chóng mặt do chất cồn còn đọng lại, Long ngậm ngùi nghĩ về khoảng thời gian đã qua. Tất cả cũng chỉ bởi định kiến xã hội. Định kiến tồn tại trong mỗi con người như thứ ký sinh trùng, quá nhỏ bé để phát hiện. Những lề thói cổ hủ của xã hội có thể ngày một mất đi nhưng định kiến vẫn còn đó. Thứ ký sinh ấy còn cơ hội sinh sôi sẽ bám chặt vào tiềm thức con người, gây nghẽn tắc cho những cảm xúc đáng quý như lòng thông cảm hay tình yêu đồng loại. Cũng vì định kiến ép buộc con người theo những con đường vạch sẵn, được cho là đúng đắn để thích nghi, ba mẹ mới không chấp nhận Long, không muốn để gia đình mình đi trái với guồng quay của xã hội. Sao mà Long căm ghét cái định kiến đến thế. Hơn bao giờ hết, nó ngẫm ra chính định kiến mới đích thực là thủ phạm gây ra bi kịch cho gia đình. Không phải vì nó… Định kiến là bức tường vô tâm, cản trở tình thương yêu của ba mẹ dành cho Long, từ chối quyền được hạnh phúc của nó. Cả ba và mẹ đều chưa bước qua được bức tường ấy, giết chết những con ký sinh lúc nhúc ấy. Nếu Long cũng chịu thua trước định kiến, nó sẽ chỉ như con ruồi kia, mắc bẫy rồi bị ăn thịt thảm thương. Và lấy đâu một bàn tay cứu rỗi? Chỉ có thể là Long, tự mình đứng dậy và đập tan bức tường định kiến độc đoán, để về với gia đình, về với yêu thương.
Từ ngày đó, Long trở về cuộc sống hằng ngày với một quyết tâm đáng nể. Nó học tập nghiêm túc trên trường, kiếm việc làm thêm và thay mẹ chăm sóc gia đình. Nhà cửa trở lại sạch sẽ, ngăn nắp. Những lọ hoa hồng tuy không đẹp và công phu như của mẹ nhưng cũng làm không gian nhà bớt trống vắng hình ảnh mẹ. Nó là người tối tối xoa lưng Mi, an ủi rằng ngày mai, ngày kia mẹ sẽ về. Ba vẫn lầm lũi đi về sớm khuya, duy trì với Long giao tiếp tối thiểu. Nhưng những hôm ông say rượu, Long lại một tay dìu lên giường, thay quần áo rồi đắp mền cho ông. Không lần nào nó quên ôm ba thật chặt mà rủ rỉ “Con xin lỗi!”. Cứ thế, cuộc sống tuy vất vả hơn trước rất nhiều nhưng Long tự hào rằng nó đã không bỏ cuộc, không bị cuốn đi bởi tuyệt vọng.
——————-
Ngày tốt nghiệp đại học, lần đầu tiên trong đời mặc áo cử nhân, Long có một cảm giác lâng lâng khó tả. Nhưng đến lúc một mình lên lấy bằng và nhận ra không có gia đình chia vui, tim nó khẽ thắt lại. Giá mà mẹ và ba cũng ở dưới kia như những ông bố bà mẹ khác nhỉ? Long thầm ao ước mọi thứ có thể khác được. Mẹ không phải cô đơn trong bệnh viện, Mi không phải thiếu mẹ để phải tự lập từ quá sớm, còn ba cũng không phải lầm lũi sớm khuya. Tuy vậy, những đau khổ của cuộc sống làm con người trưởng thành và thực tế hơn. Nó mau chóng quên đi nỗi buồn đang thoảng qua mà nghĩ đến tương lai. Nó sẽ kiếm một công việc ổn định, sẽ nuôi Mi tử tế và rồi chăm sóc ba mẹ, cho dù đến suốt đời nó cũng chịu. Sao có thể phó mặc, bất cần khi trong lòng còn rợp yêu thương?
Trong lúc đang cảm ơn lời chúc mừng từ thầy cô, Long thấy có bóng ai quen thuộc.
Ba!
Từ xa tiến lại, cái dáng cao gầy của ba sao mà thân thương. Vài sợi tóc bạc của ông ánh lên trong nắng làm Long cay cay nơi khoé mắt. Vậy là ba cũng biết hôm nay nó tốt nghiệp. Ba đứng đó, mắt nhìn thẳng về phía Long. Long vẫn còn nhớ một năm trước đây, ở đó là cơn giận dữ không thể tha thứ. Nhưng khoảnh khắc này đây, khi hai người đàn ông đối diện nhau, nó nhận ra ánh mắt của ba chỉ còn lại tình yêu vô bờ.
“Chúc mừng con trai ngày tốt nghiệp! Ba bận việc nên bỏ lỡ mất rồi!”
“Ba!” Long nói mà sợ nước mắt sẽ rơi.
“Ba xin lỗi con!” Giọng ba thật hiền.
“Không sau đâu ba. Ba đến là con vui lắm rồi!”
“Không, ba muốn xin lỗi con vì một năm nay. Ba đã làm con đau lòng nhiều lắm, đúng không?”
“Con…” Dường như có giọt nước mắt nào đã khẽ lăn xuống. Không vướng bận.
“Ba đã không chấp nhận được sự thật. Ba chạy trốn nó vì chưa bao giờ ba có thể tưởng tượng được chuyện ấy sẽ xảy đến với gia đình mình, với con trai của ba. Nhưng con nói đúng, ba đã ích kỷ chỉ nghĩ cho danh dự của mình mà quên đi hạnh phúc của con.”
“Con…” Long nhìn ba đầy ngưỡng mộ. Cả một năm rồi, hẳn ba cũng đã tranh đấu nhiều lắm. Nó vẫn chưa khỏi bất ngờ trước sự thay đổi nơi ba.
“Ba đã tìm hiểu về đồng tính và ngộ ra nhiều điều. Thấy con vẫn cố gắng trong cuộc sống dù gia đình khó khăn, ba mừng lắm. Con mà buông xuôi, chắc ba hối hận cả đời mất. Con tha lỗi cho ba nhé!”
“Con thương ba nhiều lắm!” Long bật khóc mà trong lòng vui khôn xiết. Có biết đâu, sau những bão táp của cuộc sống, con người ta lại được biết vui.
“Con có muốn đi thăm mẹ với ba không?”
“Con muốn lắm chứ! Con đã đợi bao lâu để cùng đi với ba. Con phải khoe mẹ về cái bằng cử nhân này, kể mẹ nghe về gia đình mình để yên lòng!” Long háo hức reo lên. Hình ảnh con ruồi bé nhỏ vụt cánh tìm lại tự do bỗng ùa đến, tràn ngập, khẽ làm Long ngẩn ngơ.
———————————
Ba và Long bước trên con đường rực rỡ ánh nắng. Bầu trời hôm nay cao là thế. Nụ cười trên môi Long cũng đã nhẹ đi bao nhiêu nỗi buồn.
“Ba ơi, cả nhà mình cùng chờ ngày mẹ trở về nhé!” Mắt Long ánh lên một tia hi vọng.
Long biết, mẹ vẫn còn lạc trong thế giới của nỗi buồn và tuyệt vọng. Mẹ vẫn chưa trở về được từ chốn quạnh quẽ ấy.
Nhưng Long sẽ mãi chờ để đón mẹ. Trên tay nó, lúc nào cũng là một đoá hồng thật tươi.
-Hết-
- Con đợi mẹ về truyen gay
- truyen gay hay Con đợi mẹ về
- truyengay Con đợi mẹ về
- truyen đồng tính nam Con đợi mẹ về
- truyện về gay Con đợi mẹ về
Leave a Reply