Email cũ bị mất. Các bạn có truyện muốn đăng vui lòng gửi truyện về [email protected]. Nhớ ghi rõ Tên truyện, chương nào.
Đọc truyện gay hay Dưới chân tượng Chúa online | Và chúng tôi lại ngồi tựa vào nhau, trên chiếc xe tải cà rịch cà tang chở rác dân dụng và xà bần đang lao vùn vụt về phía biển Mù Sương.
Truyện gay hay Dưới chân tượng Chúa
Tác giả: Đang cập nhật
Lần đầu tiên chúng tôi đến đây, bác tài xế đã cho chúng tôi quá giang một quãng đường dài mười lăm cây số đến ngã ba rẽ vào chợ Cá Đồng, cách thị trấn Buồn Tênh hai cây số, khi đó chúng tôi vẫn còn là hai người xa lạ nhưng cùng chung một đích đến. Lần thứ hai và cũng có thể là lần cuối cùng, cũng trên chiếc xe tải của bác tài xế già nua với cái lưng còng và đôi chân quặt quẹo, Dự muốn cùng tôi trở lại thị trấn Buồn Tênh để quyết định việc chúng tôi có nên tiếp tục sống chung với nhau hay không.
Chúng tôi đã bất chấp dư luận, sự kinh tởm, khinh miệt, dè bỉu, kì thị, vân vân, bất cứ danh từ gì cũng được, để kết hôn và chung sống với nhau. Trước đó, tôi đã có phần sợ sệt, lo lắng. Tôi nói với em rằng “Anh không thể đạp lên dư luận mà sống được!” nhưng em rất cương quyết, Dự nói với tôi em sẽ tự tử nếu chúng tôi không lấy nhau. “Chúa đã mang anh đến với cuộc đời em, cho em gặp anh và yêu anh. Chúng ta phải sống hạnh phúc với nhau và không ai có thể chia lìa.”. Tôi đã mềm yếu chấp nhận, để rồi sau đó phải luôn nhắc nhở em trong nỗi bất an rằng: “Chúng mình lấy nhau vì quá yêu nhau em nhé!”.
Những lúc đó, em cười hồn nhiên như trẻ thơ: “Cầu Chúa ban phước lành cho chúng con!”. Và giờ đây, em mặc cho cơn sốt đêm qua chưa dứt hẳn, mặc cho tôi can ngăn, giải thích, dùng mọi cách để trì hoãn, em quyết trở lại thị trấn Buồn Tênh. Lòng tôi đau xót nhưng không thể làm khác đi được. Nếu em không còn tình cảm gì với tôi nữa thì việc chúng tôi đã gạt bỏ dư luận để kết hôn với nhau không còn ý nghĩa gì.
Dự ho khan vài tiếng một cách nặng nhọc. Tôi vỗ nhẹ lưng em rồi lấy ít nước cho em uống. Em tựa vào vai tôi tin tưởng, tay phải em vòng ngang trước bụng tôi rồi tiếp tục ngủ vùi. Cơ thể nóng hầm hập của em khiến tôi khó chịu. Gió biển hanh khô làm tôi nhớ lại cơn mưa rào hăng hắc đêm qua ở Sài Gòn.
Ca trực kết thúc lúc ba giờ sáng, tôi về đến nhà trong bộ dạng ướt sũng, tâm trí còn váng vất hình ảnh những bệnh nhân tâm thần lồng lộn và gào thét trong cơn điên loạn. Lúc đó, em đang sốt rất cao, 39,7 độ C, nằm co ro trên sofa ở phòng khách. Dù thân thể tôi đang rã rời, đầu óc trống rỗng không còn nghĩ ngợi được gì, tôi vẫn cố gắng nấu ít cháo cho em ăn để uống thuốc nhưng em gạt ra: “Em không cần! Chúa sẽ chữa khỏi bệnh cho em!”.
Tôi biết em vẫn thường hay như vậy mỗi khi bệnh. Tôi khuyên bảo: “Ừ! Dù sao em cũng nên uống thuốc để khỏe nhanh hơn!”. Em lại gạt ra, thu mình lại một góc trên chiếc sofa. “Anh biết không, hôm nay em đã giết chết một sinh linh!” – Em vừa nói, vừa mếu máo. Tôi tự nhủ mình phải kiên nhẫn để lắng nghe em, dù cơn mệt mỏi đang xâm chiếm tôi một cách dữ dội. Tôi kéo em sát vào người mình, vừa quan tâm hỏi han, vừa cố gắng cho em uống thuốc.
– Trên đường về hôm nay, em đã cán chết một con cóc! Em đã giết chết một sinh linh – Em nấc lên từng tiếng một, nước mắt tuôn ra – Lẽ ra em đã có thể tránh nó!
– Thôi nào! Chỉ là một tai nạn thôi mà! – Tôi vuốt mái tóc mềm bết dính lại vì mồ hôi của em.
– Anh không hiểu đâu! Em thấy bánh xe trước của mình giật lên và một thứ chất lỏng bắn vào chân mình! Em đã thấy nó, nhưng không hiểu sao em lại cán nó! – Khuôn mặt Dự trông hoảng loạn vô cùng.
– Bình tĩnh nào em! Đó chỉ là một tai nạn! – Tôi kiên trì đút viên thuốc hạ sốt vào miệng Dự nhưng em vẫn né tránh. Dù nói vậy nhưng trong lòng tôi hồ nghi, có thể Dự bị xóc ở một ổ gà còn đọng nước trên đường đi. Sài Gòn mùa này hay đổ những cơn mưa dai dẳng.
– Không! Là lỗi của em! Lỗi của em! Em đã sát sinh!
Dự nảy người lên, đổ một cơn ho khùng khục tím tái mặt mũi.
– Hãy để em yên! Em phải cầu nguyện cho sinh vật vô tội và xấu số kia!
– Thôi được rồi! Ai cũng có lỗi lầm. Rồi… Chúa… Chúa sẽ tha tội cho em, phải không? Chúa sẽ không trừng phạt em! Nào, uống thuốc đi em! – Tôi nài nỉ Dự, dù biết những lời nói đó thật sáo rỗng.
– Không! Chúa đang trừng phạt em, và cũng là tha thứ cho em! Hãy để em sốt! Em sẽ bốc hơi và về với Người! Em cảm thấy mình đang bốc hơi, anh có thấy vậy không?
Tôi gật đầu, chợt thấy trong lòng thấy thương Dự vô cùng. May mắn thay đây không phải là lần đầu tiên Dự hỏi tôi những câu kiểu ấy, nhưng nỗi bất an trong lòng tôi lúc này đã át đi cái ý nghĩ xấu xí đang gào thét trong ý thức của tôi: “Em hãy thôi cái trò lố bịch này ngay đi!”. Nói thật lòng, tôi cũng có đôi chút mệt mỏi với sự cuồng tín của Dự. Nhiều lần tôi chỉ muốn hét lên như thế.
Chưa kể những lúc em viện dẫn Kinh Thánh để trách móc tôi, buộc tôi phải tin vào Chúa như em. Thậm chí Dự muốn chia tay, muốn bỏ nhà ra đi chỉ vì tôi đã vô tình xúc phạm đến đức tin của em, nhưng rồi mọi chuyện trở lại bình ổn. Tôi biết nỗi khổ tâm của em. Tình yêu và tín ngưỡng trong tâm trí em luôn giằng co, đối lập, còn em thì không thể hi sinh một trong hai điều đó. Những lần chúng tôi chuẩn bị ân ái với nhau, Dự đều cất sợi dây chuyền có mặt thánh giá thật cẩn thận như sợ rằng vật thiêng liêng ấy sẽ bị vấy bẩn.
Tôi chậm rãi lau những giọt nước mắt trên má Dự.
– Nhưng em phải ở lại để cùng chung sống với anh. Em không được… bốc hơi. Chúa đã mang anh đến với em mà, em không được bỏ anh đi đâu hết! – Cuối cùng tôi vẫn phải nói những câu rỗng tuếch và dối trá.
– Anh tin như vậy sao? – Dự thôi không khóc nữa, ngước mắt nhìn tôi.
Tôi gật đầu rồi đưa thuốc cho Dự, cố quên đi cảm giác phản bội lại những niềm tin của chính mình
– Uống thuốc đi em, rồi nghỉ ngơi! Mấy ngày tới anh sẽ ở nhà chăm sóc em, chịu không?
Dự chậm rãi đón lấy viên thuốc, uống một cách khó nhọc. Cổ họng em đang đau rát, tôi có thể cảm nhận được. Dự lả đi trong vòng tay tôi. Tôi bế em vào phòng ngủ, lấy khăn ấm lau người cho em. Bên ngoài trời vẫn mưa rả rích, đâu đó tiếng mèo hoang kêu rên như tiếng khóc trẻ con bị bỏ rơi.
Khi nhiệt độ cơ thể Dự dần hạ xuống, tôi lặng lẽ đến bên bàn làm việc. Cơn buồn ngủ không hiểu sao bỗng trôi đi đâu mất. Những tiếng la hét cuồng loạn trong bệnh viện tâm thần nơi tôi làm việc cũng lùi xa, chìm nghỉm và mất hút theo cơn mưa rả rích ngoài kia. Tâm trí tôi tĩnh lặng, ráo hoảnh một cách kì lạ. Lúc này đây, tôi chỉ quan tâm đến những tấm ảnh đen trắng hiện ra trên màn hình vi tính trước mặt mình.
Những khung hình vuông vức với những dữ kiện, con số chi chít, nhập nhằng bên cạnh hình ảnh não bộ được chụp cắt lớp bằng tia positron cách đây một tháng. Đó là hình ảnh bộ não của người yêu tôi. Bộ não của một tín đồ Công Giáo khờ dại, mù quáng, của con người hằng đêm ngồi trước bàn thờ Chúa Giê-su để đọc kinh, cầu nguyện cho tôi được bình an và đợi tôi trở về trong tinh mơ gà gáy. Giá mà Dự không mang bộ não ấy trong đầu. Bộ não có vùng hải mã chỉ nhỏ bằng một phần hai bình thường.
Tôi nhìn chăm chăm vào những đường nét xoắn tít, ngoằn ngoèo đến khi cửa sổ Windows xuất hiện và bay bay như một con rối trong khung hình chật hẹp và đen ngòm. Một cách vô thức, tôi với tay lấy quyển sách cũ dày cộm đã ố vàng bên cạnh và bắt đầu vật lộn với những dòng chữ in lem luốc, thô kệch nhưng có thể sẽ mang lại niềm hi vọng chữa được bệnh cho người yêu tôi.
Và đầu óc, mi mắt tôi trở nên nặng trĩu. Rồi tôi mơ. Tôi mơ thấy da thịt mình chảy xệ, mềm nhũn ra hệt như những lão gay già béo phệ ngồi ở góc phòng tắm xông hơi mà Dự vẫn nhìn bằng ánh mắt thương cảm mỗi lần cùng tôi đến đó. Giọng Dự trầm buồn, văng vẳng trong giấc mơ tôi: “Không biết sau này mình già có giống như vậy không anh? Cầu Chúa ban phước lành cho họ!”. Tôi mơ thấy những cánh tay xé toạc cơ thể của Dự từ bên trong và những “Dự” khác bước ra từ cơ thể nhỏ bé của em.
Tôi mơ thấy những “sinh vật” có hình hài giống Dự tìm cách để chui vào thân thể tôi. Tôi mơ thấy những nơtron thần kinh phân chia và chết đi, ngồn ngộn như lũ vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong móng tay của một đứa bé. Tôi mơ thấy những cánh tay đang cấu nát khuôn mặt Dự. Giấc mơ của tôi! Giấc mơ tôi thuộc nằm lòng và đã được thể hiện trong bức tranh ở phòng trưng bày rộng hai mươi mét vuông của Dự tại trung tâm thành phố. Giấc mơ được sắp xếp theo trình tự, lặp đi lặp lại như một hệ thống đã được lập trình sẵn.
Một âm thanh ken két, khô khốc đã đánh thức tôi dậy. Trước mắt tôi, Dự đang kéo vali ra phía cửa, khuôn mặt gầy thõm, xanh xao.
– Em đi đâu đấy? – Tôi vừa nói, vừa gượng đi đến chỗ Dự, nắm lấy cánh tay em – Em vẫn còn sốt cao! Em định đi đâu?! – Tôi gần như gắt lên.
– Thị trấn Buồn Tênh, anh biết rồi mà! – Dự giằng khỏi tay tôi một cách yếu ớt.
– Anh đã nói là em không bị bệnh gì hết! Hãy ở nhà tịnh dưỡng, không vẽ vời, không làm việc. Em không nghe lời anh sao?
– Lạy Chúa! Em không phải thằng ngốc. Em biết rõ bản thân mình. Chuyện em cán chết con cóc đêm qua chỉ là ảo giác. Anh nỡ để em trong tình trạng này mãi sao?
– Nghe này! Em không mắc bệnh gì cả! Em chỉ bị stress quá độ thôi!
– Không! Em không thể sống mãi với thuốc an thần. Em không thể sống chung với anh khi một sáng thức dậy nhìn thấy đồ đạc trong nhà bị đập phá, một sáng thức dậy và thấy mình đang trần truồng cùng người đàn ông xa lạ, một sáng thức dậy em bỗng quên hết những chuyện xảy ra ngày hôm qua! Lạy Chúa! Em còn có thể làm được những chuyện gì nữa đây?!
Tôi biết chứ! Tôi biết một sáng thức dậy em bỗng trở nên câm lặng, không còn nhớ mình là ai, không hề biết tôi và em từng đầu ấp, tay gối, hoặc trở thành một kẻ bệnh hoạn, nghiện tình dục, một kẻ nát rượu, căm phẫn cuộc đời. Tôi biết bên trong em còn có rất nhiều con người khác nữa, trong đó có kẻ đã muốn giết tôi, có kẻ đã tự gây thương tích chỉ để biết mình đang tồn tại, có cả đứa bé luôn nghĩ mình là thần tiên. Tôi biết tất cả những điều đó, và tôi sẽ chữa cho em, nhưng không phải bằng các biện pháp thôi miên hay nhốt mình trong căn phòng với hàng tá những chiếc gương!
– Đừng suy nghĩ nhiều quá! – Tôi ôm Dự vào lòng – Cứ ở bên anh, anh hứa sẽ mang lại bình yên cho em! Dù có xảy ra chuyện gì anh cũng có thể chịu được!
– Nhưng em không chịu được! – Dự đẩy tôi ra, hơi thở nặng nhọc như thể đã dùng hết sức bình sinh để làm việc ấy. Em ngước nhìn tôi, khóe mắt đỏ hoe, đáy mắt sẫm lại mơ hồ.
Còn hai cây số nữa là đến thị trấn Buồn Tênh. Bác tài xế quyết cự tuyệt, không cho chúng tôi đi nhờ nữa dù tôi nói sẽ trả tiền theo ý muốn của bác. Người đàn ông già nua cục mịch lắc đầu, chối đây đẩy. “Tao còn phải ra chợ! Đứa cháu gái bị tâm thần phân liệt của tao có thể sẽ bị mấy thằng lưu manh ở chợ cưỡng hiếp, hoặc bị nhận nước chết như một con mèo rơi xuống sông!”.
Tôi gật đầu thông cảm. Tôi đã từng nhìn thấy con bé đó, cũng trên chiếc xe này trong lần đầu tiên đến đây. Con bé mười tuổi gầy rộc, ốm yếu như lát chuối cháy khô ngoài nắng luôn cho rằng mình đang mang thai. Người ông bạc nhược, bảo thủ luôn muốn con bé về trên thiên đàng cùng ông, mặc cho tôi khuyên nhủ và hứa sẽ điều trị miễn phí cho bé.
Tôi cõng Dự trên lưng. Con đường trước mặt trải ra mênh mông, vắng ngắt. Từng đợt sóng biển ầm ào xô vào bờ đá. Tôi không còn nhận thức được ở vùng này đang vào mùa gì. Đi được một quãng dưới cái nắng bỏng rát, khô khốc vẩn mùi mặn mòi của biển thì trời chợt đổ cơn mưa. Tôi cố chạy thật nhanh, hòng đến được thị trấn.
Dưới làn mưa nặng trĩu, lạnh quay quắt, hi vọng tìm thấy một nơi nào đó có thể trú mưa thật hiếm hoi. Một bên là biển cả gầm gừ, một bên là cánh rừng đã bị tàn phá, trơ lại những cành cây khẳng khiu, bạc thếch. Con đường đầy cát sỏi không tên dẫn vào thị trấn Buồn Tênh hệt như địa ngục trần gian. Trên vai tôi, Dự run rẩy, cơ thể rũ ra kiệt sức. Dự cố thì thào vào tai tôi một điều gì đó, đến lần thứ hai tôi mới nghe rõ: “Anh ơi! Em vừa mơ thấy Chúa!”.
Lần thứ ba, khi chạy qua một căn nhà hoang bên bờ biển thì mưa tạnh, Dự thì thào: “Khi nào nhìn thấy tượng Chúa Giê-su thì đánh thức em dậy nhé! Em phải leo lên bàn tay Chúa! Chúa đang chữa bệnh cho em!”. Sự thật, bức tượng đó đã hiện ra từ lúc nhìn thấy những tia nắng phản chiếu trên mặt biển Mù Sương. Bức tượng bằng bê tông cốt thép, bên ngoài tô đá rửa tạc hình Chúa dang hai tay đứng trơ trọi trên bệ đá làm tôi nhớ lại cái ý nghĩ của mình ba năm về trước, cái ý nghĩ xấu xa mà tôi đã muốn thét lên: “Đồ chó chết! Người còn sống không trân trọng lại tôn thờ cái cọc xấu xí kia làm đếch gì!”.
Ba năm trước, trên những bậc thang cuối cùng dẫn ra bàn tay của tượng Chúa, khi đó tôi và Dự vừa mới yêu nhau, Dự cùng một người đàn ông tranh luận các vấn đề về tôn giáo. Tôi đứng ngoài cuộc bởi tôi không tin và cũng không có hiểu biết gì nhiều về những vấn đề này. Gió thốc vào ù ù, cay mắt. Những luồng ánh sáng từ bầu trời xám xịt, vần vũ bên ngoài làm cho nơi chúng tôi đang đứng trở nên âm u và tăm tối lạ thường. Các bức họa vẽ Chúa trưng bày bên trong hệt những bức tranh kinh dị.
– Chúa không thể xuất hiện trước những tâm hồn bị vướng bẩn! Chắc chắn là thế! Những kẻ đồng tính như mày sẽ bị trừng phạt và không được tha thứ! – Người đàn ông có đôi mắt trắng dã gằn giọng, hướng cái nhìn khinh miệt vào Dự.
– Không đúng! Đó là do các người bịa đặt! Chúa sẽ không bao giờ làm thế! – Dự gắt lên, càng lúc càng không thể kiểm soát được hành vi của mình. Lúc tôi can ngăn, muốn Dự dừng lại thì em gạt tôi ra, xem như tôi không hiện diện ở bên cạnh. Cuộc tranh cãi giữa Dự và người đàn ông kia đã kéo dài hơn ba mươi phút
– Nếu mày nói vậy thì khi mày nhảy từ trên này xuống, Chúa sẽ xuất hiện và cứu vớt mày phải không? Chúa sẽ không bỏ rơi mày đúng không?
– Đúng thế! – Dự trả lời không chút ngập ngừng, đắn đo.
Ngay sau đó, Dự lao người về phía tay áo tượng Chúa hướng ra ban công bên ngoài. Tôi hoảng hốt kéo em lại, Dự gạt tay tôi ra với một lực thật mạnh khiến tay tôi trượt từ vạt áo xuống chân Dự. Dự vấp ngã nhưng vẫn cố trườn về phía ban công. Tôi ôm chân Dự, còn Dự thì quẫy đạp và luôn miệng hét lớn: “Thả em ra!”. Dự đạp mạnh vào ngực tôi, cố thoát khỏi vòng tay tôi, mặt Dự đỏ lên gay gắt, môi tím tái, mắt vô hồn. Một số người đứng quanh đó cười phá lên: “Xem chúng nó làm tình trên cầu thang này, quay phim đi bây ơi!”. Một tín đồ khác hét lên như không muốn bỏ lỡ cơ hội để phát ngôn:
– Các người đang làm ố bẩn nơi đây. Chúa đã dạy hãy yêu thương mọi người như yêu thương chính mình. Các người đang làm gì vậy?
– Tại sao các người cứ ba hoa nói về Chúa nhưng lại hành động một cách ngu xuẩn! Những gì các người nói về Chúa đều là giả dối! Chúa chưa bao giờ rao giảng những điều đó cả! Tất cả những lời viện dẫn từ Kinh Thánh đều là dối trá! – Một giọng nói nữa vang lên.
Tai tôi ù đi, ngực đau tức và hơi thở tắc nghẹn.
Leave a Reply