Email cũ bị mất. Các bạn có truyện muốn đăng vui lòng gửi truyện về [email protected]. Nhớ ghi rõ Tên truyện, chương nào.
Đọc truyện gay Bài Dạ Cổ Trên Sông online | truyện này như làn gió từ sông thổi vào tâm hồn mình dịu nhẹ, man mác và lành lạnh. Truyện mang đến cho người đọc thật nhiều cảm xúc cách viết mộc mạc như chính nội dung và con người miền Tây, những nét đơn sơ của miền Tây, của những ghe hát tuồng như vậy chắc hiếm thấy vào thời buổi này!
Truyện gay Bài Dạ Cổ Trên Sông
Tác giả: soulbin
1. Gánh hát rong…
Mỗi người có một số phận dành cho riêng mình, không ai có thể thay đổi được. Khi cất tiếng khóc chào đời, mỗi sinh mạng có những điều mà họ không thể lựa chọn đó là cha mẹ, họ tên, quê quán và … bản chất thật sự trong mỗi người.
Ngày ấy, khắp miền Lục Tỉnh Nam Kỳ đi đâu cũng nghe những câu hò điệu lý, lâu lâu lại vang vọng một giọng xuống xề câu Dạ Cổ Hoài Lang. Nhất là miền Cần Thơ Bạc Liêu, ai cũng thuộc nằm lòng vài bản đờn ca tài tử, gánh hát, ghe bầu thì nhiều vô số kể. Đời thương hồ nay đây, mai đó, sống bằng cái nghề gạo chợ nước sông đã vốn quen với người dân Nam Bộ. Còn đối với những gánh hát trên sông, ăn chợ, ngủ đình là chuyện thường tình, những nghệ nhân mang lời ca, tiếng hát đến phục vụ cho bà con từ chợ huyện vào tận trong bưng điền để đổi lấy chén cơm qua ngày. Đời sống ngày càng cực khổ, nhiều gánh, nhiều đoàn đã bỏ nghề, lên bờ tìm kế sinh nhai, cũng có người tha thiết với nghiệp Tổ nên sống chết với nghề, mặc cho thiên hạ dèm pha là phận xướng ca vô loài …
– Tía nè! Mấy hôm nay mưa hoài! Không biết sao đây nữa! Con thấy cái thạp cũng hết trơn gạo rồi đó! Hay là tía cho con vô đồng, bà con mới gặt xong, chắc mình cũng mót được chút lúa dư về qua bữa nha tía!
– Mày ham chơi thì có chứ biết lo gì, đồ con nít quỉ! Lo học tuồng cho xong đi, coi bộ mấy hổm rày mày lơ là lắm đa! Mà còn mấy cái vũ đạo nữa, không rèn biết ngày nào nên hả con?
– Thôi anh Tư! Thằng nhỏ mới có bảy tuổi mà anh bắt học nhiều quá sao được! Thôi kệ, cho nó vô đồng chơi đi, mót lúa thì mót, bắt cua, bắt cá, làm gì thì làm! Con nít mà, đứa nào mà hổng ham chơi chứ? Tao nói dậy đúng hông mậy? – Bà Hai đồ hội vừa làm cá ở phía sau lái nói vọng lên tham gia cuộc nói chuyện của cha con thằng An.
– Dạ! – Thằng An dạ gọn hơ một tiếng rồi nhảy phóc lên bờ, nói vọng lại – Thôi con vô đồng chút nha tía! Chiều con mang cá dìa con tía nhậu với mấy chú!
Trời cứ lất phất mưa, những cơn mưa mùa thu thường nhè nhẹ nhưng day dẵn, có khi mưa liên tục ba bốn ngày như mấy bửa nay chẳng hạn. Mới bảy tuổi đầu mà An đã quen với cuộc đời lênh đênh của gia đình và cũng chẳng còn nhớ gương mặt má của nó ra sao. Nghe ông Bảy đờn cò kể lại là hồi năm xưa, lúc má nó còn là đào hát của đoàn có nhiều người ve vãn nhưng bà chỉ thương một mình anh kép Tư Hậu rồi kết làm vợ chồng. Đôi đào kép Tư Hậu – Mười Loan đã làm nức lòng giới mộ điệu với những bản đoạn trường của Chiêu Quân cống Hồ, của Tình sử Dương Quý Phi … nhưng rồi thời thế đổi thay, đồng tiền đã làm người ta quên đi câu “vàng son chồng vợ”, má nó đã sang sông bỏ lại tía con nó khi nó vừa được ba bốn tuổi gì đó để theo một gã lái buông nào đó…
Những buổi trời mưa như thế này, thằng An thường kiếm cớ này, cớ nọ để lên bờ tắm mưa, giỡn cùng đám con nít, chúng chạy thi nhau trên đồng, chơi trò đánh trận… nhưng đôi lúc nó lại ngồi nép dưới mái hiên của một nhà nào đó như hôm nay, để được nghe tiếng ru con của một bà mẹ xa lạ trong trời mưa da diết “Ầu… ơ… Trời mưa bong bóng bập bồng… Mẹ đi lấy chồng… con ở với ai…”. Nó mơ ước được nằm trong lòng má nó, nghe bà hát ru cho nó ngủ, nhưng đó chỉ là giấc mơ không bao giờ có được. Mưa vẫn còn lất phất mà trời cũng đã chạng dạng tối, thấp thoáng xa xa mấy chòi lá của bà con trong xóm đã lên đèn, thằng An thơ thẩn băng qua mấy bãi bắp ra ngoài đầu cồn về với chiếc ghe bầu gánh hát của cha nó. Giữa khoảng không yên ắng của **** chiều, không một tiếng côn trùng rả rich bỗng vang lên tiếng khóc của một đứa trẻ từ chỗ miếu ông Từ vọng lại làm thằng bé giật mình, vội chạy lại xem sao…
– Oe… oe… oe…
– Nín… nín… nha cưng! Má cưng đâu mà bỏ cưng ở đây vậy? – Thằng An ra sức vỗ đứa bé chỉ chừng lên ba đang khóc nức nở giữa chiều mưa. Thằng An bối rối không biết tính sao, cứ loay hoay với thằng nhỏ đến trời tối mịt, bí quá, nó ẳm thằng nhỏ xuống ghe để tía nó tính.
– Chèng đéc ơi! Thằng nhỏ đâu mà dễ thương quá vậy mậy? Con ai đây? – Bà Hai vừa thấy thằng nhỏ đã vội chạy tới giành ẵm, nựng nịu. Cũng tội cho bà Hai, chồng bà bị lính Mã Tà bắn chết từ cái thời chín năm, bà để tang chồng sống lủi thủi một mình đến giờ. Nên thấy con nít bà thương lắm, như thằng An hồi má nó bỏ đi, một tay bà chăm sóc, chắc nước cơm nuôi nó, đôi khi cho nó bú vú da đỡ nhớ má.
– Cái thằng quỉ! Ẳm con người ta đi chơi sao không trả, trời tối mù rồi! Mày biết mất con người ta lo lắng lắm hông mậy? Đem đi trả ngay! – Tía nó vội lên tiếng.
– Có biết tía má nó ở đâu mà trả? Tui thấy nó đứng khóc ở miếu ông Từ đó, tay còn cằm cái gói này nè!
Thằng An vừa nói vừa đưa cái gói may bằng vải bố bao gạo cho tía nó. Trong gói chỉ có vài bộ đồ con nít, một cái vòng bạc và một lá thư kèm với năm trăm đồng, soi lá thư dưới ngọn đèn mù u, gương mặt ông Tư đanh lại rồi lại thở dài:
– Coi bộ thằng nhỏ này có duyên với tụi mình! Thôi thì nhịn chút thuốc rê, bỏ bớt chén rượu, sớt lại nữa chén cơm, đoàn mình đùm bọc cho thằng nhỏ này nghen!
– Cha! Chuyện này hơi lạ nè, từ đó giờ anh Tư đâu có dễ dãi cho người xuống ghe theo nghề, sao nay rộng lượng quá heng! – Bà Hai vừa chơi với thằng nhỏ vừa nói móc.
– Tui cho bà làm má của thằng nhỏ này đó, đồ nè lo giữa đi, cái lá thư với cái vòng là vật để sau này nó tìm được gốc gác ông cha! Coi mà giữ cẩn thận đó!
– Biết rồi! Mệt quá! Thôi vô ăn cơm, khuya nay chờ nước ra rồi nhổ cọc đi nữa! – Bà Hai ẳm thằng nhỏ đi thẳng xuống ghe, nói vọng lại …
2. Bài dạ cổ …
Nhắc lại về quá khứ của đứa bé ở miếu ông Từ, nó cũng là con của một cô đào hát của gánh Hương Tràm, chẳng may cô lọt vào mắt xanh của ông Hội Đồng nên bị bắt về làm bé, gánh hát thì bị ông cho người phá tan nát, mọi người tứ tán. Thương con, sợ bị ông cho người sát hại nên cô phải cắn răng bỏ con ngoài miếu hoang, mong con mình được người hiền cưu mang… Có lẽ thương cảm cho số kiếp bọt bèo như gánh hát của mình nên ông Tư nhận thằng nhỏ nuôi từ ngày đó…
Mới đó mà cũng đã gần mười lăm năm trôi qua, cái gánh hát trên sông của ông Tư vẫn cuộc sống lênh đênh thương hồ, đào, kép của gánh vì miếng cơm, manh áo đã lên bờ quay lưng lại với nghề. Cái bạc bẽo của người đời là thế, gánh hát chỉ còn lại những ông già đầu đã pha tuyết. Vẫn ông Bảy đờn kìm da diết bài Vọng Kim Lang, ông Chín sầu đời với ngón đờn bầu, ông Tư giờ không còn hát nữa nhưng ngón đờn tranh ngày càng diêu luyện, nhứt là đọan khúc Phượng Cầu Hoàng, rồi bà Hai đồ hội, mấy thằng nhóc tỳ trong đoàn, mấy đứa đào ba và cả thằng An, thằng Vịnh.
Mười lăm năm kể từ khi An đưa thằng nhóc ở miếu ông Từ về, thằng nhỏ đã dần quen với gạo chợ, nước sông. Cái tên Vịnh là do má Hai của nó đặt, do lúc nó lên ghe là tại đầu vịnh của bãi đất cồn, nên lấy tên này đặt cho nó. Mười tám tuổi, cái tuổi biết yêu thương, biết sầu cảm, mà ông trời cũng khéo khiến sui sắp bài cho nó. Thằng An thì có chất giọng Thổ hát những vai vua, vai tướng rất được bà con yêu mến, nhưng thằng Vịnh lại mang chất giọng Thổ pha Kim – cái giọng mà mấy cô đào chính thường cầu mong có được. Một thằng con trai lại mang làn hơi nữ nên nó rất khó vào vai kép, nhưng đến một ngày kia, một điều bất ngờ đã đến với nó.
– Tụi bây tranh thủ cơm nước rồi dọn đồ xuống ghe chuẩn bị tập tuồng tối nay diễn nghen!
– Anh Tư! Tui hỏi cái này nè! Anh định tối nay diễn tuồng gì? Mà anh có hay tin gì chưa mà giờ chuẩn bị tập tuồng?
– Thì tối nay diễn Hớn Đế biệt Chiêu Quân, để thằng An diễn với con Hồng. Mà chị nói tin gì mà tui hông biết?
– Thấy chưa! Tui xếp đồ hội mà riết giống như vợ bầu vậy! Con Hồng sáng nay nó dọn đồ đi với cậu Hai Hoàng rồi! Nghe đâu đi Cách chơi vài ngày rồi! Lấy đào đâu ra mà diễn chứ?
– Trời đất ơi! Còn có vụ này nữa? Rồi … rồi… Tổ nghiệp ơi! Tổ phò hộ dùm con với!
Thằng An ngồi ngoài đầu ghe nghe chuyện chạy vô góp lời:
– Có gì mà tía lo hổng biết nữa! Đoàn mình có một cô đào mười tám tuổi xinh đẹp mà lo gì?
– Thằng điên! Mày kiếm đâu ra đào mười tám tuổi trong đoàn? Con Hồng trẻ nhất cũng đã ngoài hai mươi! – Ông già thằng An đang nổi cơn giận mà nghe nó nói chẳng khác nào thêm dầu vào lửa càng điên tiếc hơn nữa.
– Tui nói có mà! Đào mà hổng phải là đào? Mà tía có dám thử hông?
– Mồ tổ cha mày! Nói thì nói, cứ úp úp mở mở vậy ai biết? Đứa nào đâu? Mày nói tao nghe coi? Mà vụ gì đào không phải đào chứ? – Ông Tư như mất bình tĩnh trước vụ việc đang xảy ra.
– Ý tui nói chính là thằng Vịnh chứ ai? Tía hổng để ý nó có giọng Thổ Kim hả? Hôm bửa tui nghe nó tập ca bài Đoạn trường Chiêu Quân với chú Bảy kìa, còn hay hơn con Hồng nữa!
– Ý chèng ơi! Chơi gì kỳ vậy? Tự nhiên… tự nhiên… bắt tui hát vai đào? Tui hổng chịu đâu – Thằng Vịnh đang làm đồ hội với má Hai lên tiếng.
– Tui nói được mà! Tía! Tía hổng tin thì kêu nó hát thử vai Chiêu Quân cho tía với mấy chú nghe đi!
– Thôi vì đoàn đi Vịnh! Mày hát coi thử coi! Biết đâu được thì sau!
Mỗi người góp một tiếng, làm thằng Vịnh cũng thấy khó xử. Nó liếc nhìn thằng An. Người gì đâu đáng ghét, tại sao bắt nó phải giả gái như vậy chứ? Từ lúc nó và thằng An bắt đầu trổ mã đến giờ, nó thấy có cái gì là lạ trong nó và cả thằng An nữa. Ghe bầu chật chội, hai đứa ngủ chung mà thằng An lúc nào chui vô mùng là cởi phăng áo, chỉ còn duy nhất cái quần tà tỏn, ôm chặt lấy nó mà cũng, đôi khi còn nhéo má, kêu vợ này, vợ nọ nữa. Lúc đầu nó cũng ghét lắm, nhưng không hiểu sao càng lúc nó càng thích được An gọi là vợ, thích được An nhéo má, nựng yêu, thích được nằm trong vòng tay của An để cảm nhận được hơi ấm của người đàn ông giữa lúc ngoài kia trời đang mưa bão.
– Thôi mà! Chiêu Quân ơi trẫm muốn nghe trường đọan khúc Chiêu Quân qua âm hưởng tỳ bà khi tay ngà nâng phím ngọc! – Thằng An nhanh miệng vô đầu nhịp hát
– Thôi nghen! Tui không thích giỡn kiểu đó nghen! Để từ từ tui hát, mà nói trước hát không được thì thôi đó nghen! Quân vương ơi nhìn ải Môn Quan xa khuất giữa sương lam lặng bóng cờ ủ rủ. Đôi nhạn còn giao cánh bay cao ngoài trời mây phủ mà Dương Tường Hạo Nguyệt Chiêu Quân đành vong phụ bạn chung… tình […] Một lạy của Dương Tường Hạo Nguyệt Chiêu Quân gửi gắm quê hương nỗi lòng người xa xứ, hai lạy kính miên trường cầu song đường an hảo, ba lạy tạ tình chàng vào đất giặc diệt xâm lăng…
– Chà! Coi bộ ngon lành dữ à nghen! Được đó nha mậy! Thôi tối nay hy sinh đời trai làm đào một bữa nghen mậy! – chú Bảy đờn cò lên tiếng.
– Nhưng… đó giờ con có đóng vai nữ đâu, sợ…?
– Sợ gì mà sợ hả Chiêu Quân? – Thằng An chen vào – Yên tâm đi, dáng thì mảnh khảnh, da trắng. giọng nói nhỏ nhẹ thì ai biết là con trai khi hóa trang?
– Tui có biết hóa trang vai đào đâu? Với lại phục trang nữ tui đâu có quen?
– Má lo hết cho con mà! Thôi cố gắng nha! Mà phải đặt nghệ danh chứ? Chẳng lẽ gọi là đào Vịnh, nghe kỳ chết! Hay là gọi là đào Vịnh Xuân đi, nghe nữ tính mà hay hơn!
– Rồi! Vậy là xong nghen! Tối nay trẩm lại có thêm một Chiêu Quân! Ha… ha… ha…! – Thằng An vừa nói vừa nhéo má thằng Vịnh rồi chạy nhanh ra ngoài.
Thằng Vịnh giận dỗi đuổi theo quyết đánh cho được thằng “anhkết nghĩ” của nó. Hai thằng đùa nghịch rồi cùng rơi ùm xuống sông, nước bắn tung tóe. Thằng Vịnh ra sức nhấn nước thằng An. thằng An thì cố ôm chặc lấy Vịnh, miệng cứ nói nhảm mấy câu đùa cợt:
– Thôi mà! Chìu trẩm chút coi nè …
Mệt mỏi sau trò nghịch dưới nước, hai đứa leo lên bãi bồi, nằm dài theo triền sông, những ánh nắng chiều vàng vọt rọi vào hai đứa, không ai nói với nhau một lời. Mỗi đứa đang có những suy nghĩ riêng về người nằm cạnh mình. Bất chợt thằng An nắm lấy tay của Vịnh, đặt lên đó một nụ hôn nhẹ nhàng:
– Vịnh có chịu làm Chiêu Quân của An không?
– Ơ… ơ… sao tự nhiên hỏi kỳ vậy? Tui… ơ… Vịnh với An là con trai mà…
Thằng An ngồi dậy, tay vẫn nắm chặt tay Vịnh, mắt nó nhìn xa xăm ra ngoài sông:
– Ờ… thì là con trai… mà An thích Vịnh đó! Thích lâu rồi! Mà Vịnh cũng thích An nữa chứ bộ! An biết hết mà tại chưa dám nói thôi.
– Thì… thì… cũng có thích chút chút, nhưng Vịnh sợ lắm! Sợ người đời khinh khi mình, Vịnh mồ côi từ nhỏ, được An, được má Hai mang về nuôi, người ta nói gì cũng được. Còn An thì còn tía, còn cái gánh hát nữa…
– Đừng suy nghĩ như thế nữa! Thôi về chuẩn bị tối nay lên sàn kìa! Hạ màn rồi An chờ Vịnh ở đây nghen! Nếu thật sự thích tui, muốn sống mãi bên tui thì đến! Tui sẽ chờ…
3. Mặt trời lên …
Đêm ấy, bà con trong xóm, bên kia cồn kéo nhau đến coi hát rất đông, coi mặt cô đào hát mới tên Xuân Vịnh, những ánh đuốc lá dừa bập bùng trong màn đêm soi sáng cho cái sân khấu dựng tạm giữa đồng vừa mới thu hoạch, đất vẫn còn ướt, nhãu bùn do cơn mưa sáng nay vẫn còn. Nhưng được bà con thương mến đoàn, coi hát còn mang theo bánh ít, khoai lang, con vịt… cho đoàn.
Dưới làn khói của ánh đuốc, Hớn Đế – An và Chiêu Quân – Vịnh đã trau chuốt từng lời ca, nhả từng câu chữ mang đến cho bà con những làn điệu của quê hương. Một điệu xuống xề câu Dạ cổ hoài lang khi xa cách bạn lòng, một điệu Cung thương hòa điệu, một khúc Tư Mã tương như, một nhịp đờn Ai tư vãn … nghe não lòng giới mộ điệu. Cánh màn kép lại với những tiếng vỗ tay của bà con. Đêm đã khuya, từng đoàn người kéo nhau ra về vẫn mang trong lòng chút nghẹn ngào cho mối tình của nàng Chiêu Quân.
Mọi người trong Đoàn lo dọn dẹp đồ đạc xuống ghe, chuẩn bị nghĩ ngơi, nhưng lại vắng mặt thằng An. Chỉ có Vịnh biết An đang ở đâu, trong lòng nó vui một nổi vui vô hạn. Tây rửa vội phấn son, Vịnh mon men theo triều sông đến chỗ hẹn với An…
Giữ bãi bờ hoang váng, chung quanh không một mái nhà, thấp thoáng xa xa một vài chiếc ghe nhỏ đi vội trong màn đêm, gió ngoài sông thổi vào mang heo hơi lạnh, Vịnh không tìm thấy An, nó ao ước được nằm trong vòng tay của An như những ngày qua, hơi ấm của An sẽ làm cho nó ấm lòng dù cho ngoài kia trời có mưa gió bão bùn. Ánh trăng soi cho Vịnh ra điểm hẹn, còn bóng An thì vẫn biệt tâm không thấy đâu cả. Ngồi buồn, Vịnh cất lên giọng hát ngọt liệm của mình “Nguyện là nguyện cho chàng, đặng chữ an bình an, mau trở lại gia đàn cho én nhạn hiệp đôi ý a …”. Miệng hát, đầu óc của nó đang suy nghĩ về nơi xa xăm, về tương lai của nó và An, rồi chợt nhớ ra nó vẫn đang ngồi một mình, chợt thoáng buồn, một chút buồn ngẫng ngơ. Nó nghĩ có khi nào An đang đùa cợt nó không? Có phải An nhận ra dược bản chất thật của nó là một thằng bệnh hoạn, thích con trai rồi đùa cợt nó chăng? Chơt nghĩ rồi nước mắt nó lăn dài trên má…
– Sao mà Chiêu Quân không vậy? – Một giọng nói quen thuộc vang lên, một vòng tay từ phía sau choàng tới ôm nó, vẫn là hơi thở ấm nồng của người nó yêu mến
– Không có gì đâu? Tại ngồi buồn suy nghĩ lung tung nên khóc chút thôi? Mà sao ra trễ vậy?
Thật ra An đã ra đây chờ nó từ rất lâu, khi tuồng hát kết thúc. Nhưng cũng như nó, An sợ nó không chấp nhận mà còn đùa giỡn với An nên đã trốn trong bụi sậy, rồi ngủ quên lúc nào không biết. Chắc do cả ngày mệt quá, chợt nghe bài Dạ cổ hoài lang của thằng Vịnh hát làm An tỉnh giấc thì thấy người thương đang ngồi ngoài triền sông nên nó vội chạy ra.
– Vịnh trả lời câu hỏi của An đi?
– Thì… thì… Đã ra đây là biết rồi còn hỏi nữa…
– Vậy là Vịnh đồng ý làm Chiêu Quân của An hả?
– Không! Vịnh không làm Chiêu Quân đâu, Vịnh sợ cảch Hớn Đế biệt ly, sợ đoản khúc Lam Giang, sợ bài tỳ bà tiễn biệt lắm! Vịnh chỉ muốn là Vịnh của An, không xa cách, không chia ly…
Nói đoạn, thằng Vịnh tựa đầu vào vai của An, nước mắt lại rơi khóc thương cho số phận bọt bèo nỗi trôi của mình. An cảm thấy như có cái gì đó nghẹn trong cuống họng, không nói nên lời, choàng tay ôm vai Vịnh, An muốn ôm chặt người mình thương, dù đó là tình cảm trái với xã hội dương đại, bị người đời khinh miệt, nhưng An chấp nhận tất cả để được ở cạnh Vịnh và An biết vịnh chắc chắn cũng vậy.
– Ờ… thì không làm Chiêu Quân! Mình sẽ mãi bên nhau dù cho có cay đắng khổ đau thế nào đi nữa. Dù phải tha phương trôi nỗi, An mã bên Vịnh…
Cả hai không nói gì nữa, đầu tựa vào nhau, tay trong tay, cùng nghe nhịp tim đang thổn thức cho mối tình oan trái này, cả hai sẽ chấp nhận tất cả, chấp nhận khổ đâu, cay đắng nghiệt ngã, sự khinh miệt của người đời… nhưng trong lòng của hai người vẫn cháy lên một niềm tin về ngày mai tươi sáng – tươi sáng như ánh bình minh đang dần ló dạng ở phía chân trời, đang tỏa những ánh nắng mai đấu tiên soi sáng cho một mối tình của bài dạ cổ…
HẾT
- truyện bài dạ cổ trên sông
- truyện gay bài dạ cổ trên sông
- truyện đồng tính bài dạ cổ trên sông
- truyện gay Việt bài dạ cổ trên sông
- truyen bai da co tren song
- truyen gay bai da co tren song
Rain Trần says
hay… lời lẽ đậm chất Nam Bộ mà văn phong cũng không chê vào đâu được..